Mã Quỷnh là một trong những con đèo hiểm trở của tỉnh. Đến đỉnh đèo có nghĩa là đã chạm vào địa phận của xóm người Mông Phjắc Cát. Trước núi non, mây ngàn quấn quyện hữu tình, tôi cứ “ngỡ mình cưỡi gió ngắm trần gian”. Câu thơ của nhà thơ Thanh Tịnh viết vào những năm 60 của thế kỷ trước, đọc lên bỗng như thấy mới lạ và đáng yêu làm sao. Đặc biệt khi ngoảnh lại phía sau, nhìn khúc cua có hình trái tim, tự nhiên trong tôi thổn thức về huyền thoại gắn với tên đèo.
Chuyện kể rằng từ thưở xa xưa có một dũng tướng trên đường đuổi giặc, vì con ngựa chiến quá khỏe, phi quá nhanh bị lỡ đà khi vào khúc cua tay áo đã lao mình xuống một thung sâu, may mà võ tướng có sức khỏe phi phàm đã bay người bám vào một cây nghiến bên đường, rồi sau đó dũng tướng gắn bó cuộc đời mình với rừng cây, núi đá nơi này mà lập nên vùng Cao Thượng, trong đó có xóm người Mông Phjắc Cát. Từ đó câu chuyện cứ râm ran, lan tỏa vào điệp điệp, trùng trùng của núi non, mây trắng và mãi mãi là niềm kiêu hãnh, tự hào của người dân vùng Cao Thượng. Phải chăng đó chính là sức sống, là thân phận đời người và cũng là bản sắc văn hóa, là truyền thống đấu tranh cách mạng và cả những câu chuyện tình bất diệt ở nơi đỉnh trời bốn mùa lộng gió này.
Xóm Phjắc Cát có hơn 40 hộ nằm cheo leo bên sườn núi, tạo cho ta một cảm giác hoang sơ, cách biệt với thế giới bên ngoài. Vì bốn bề là rừng cây, đá núi nên từ lâu ở xóm nghèo này cây ngô khẳng định nơi đây là chốn an cư, lạc nghiệp đời đời và vì thế mèn mén, canh rau cải là điệp khúc muôn thuở của người Mông nơi đây. Khi chưa có chương trình 134, 135 thì cả xóm đói dài, nhưng với bản tính cần cù, chịu khó nên từ già đến trẻ đói không kêu, nghèo không than, vẫn chiếc quẩy tấu trên lưng, ngày nối ngày từ nhà lên nương rồi lại từ nương rẫy về nhà mà vẫn tươi tắn nụ cười, khẽ khàng dịu ngọt với bất kể khách lạ, khách quen. Song đáng yêu hơn cả là người Mông vùng Mã Quỷnh nói chung và Phjắc Cát nói riêng đã tạo cho mình những dấu ấn đặc biệt để tiếng thơm lan truyền khắp vùng, khắp tỉnh. Và là niềm tự hào của đời đời con cháu là thành tựu trồng cây gây rừng theo lời kêu gọi của Bác Hồ: “Mùa xuân là tết trồng cây/Để cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Từ những năm 80 của thế kỷ trước tôi đã được đọc bài báo “Rừng thông Cao Thượng của người Mông Cao Thượng”, vì lúc bấy giờ Cao Thượng là một điểm sáng của Cao Bằng với những rừng thông ngút ngàn, bốn mùa vi vút gió reo, hút hồn du khách mỗi dịp ra vào Thông Nông. Dù thời gian qua từ lâu nhưng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979, người Mông Cao Thượng đã khẳng định tinh thần quyết tử của mình mà chói sáng hơn cả là gương mưu trí, dũng cảm của ông Vương Quyết Thành với khẩu súng hỏa mai trong tay “một tấc không đi, một ly không rời” vẫn bám bản, bám đèo chiến đấu đến những ngày cuối cùng của chiến sự. Nhờ những thành tích xuất sắc của mình mà sau này ông được đi dự hội nghị người Mông tiêu biểu ở Hà Nội và được bầu là đại biểu HĐND tỉnh lúc đó. Một nét độc đáo nữa của Phjắc Cát là chi đoàn thanh niên duy trì chế độ chào cờ và hát Quốc ca bằng lời Việt và lời Mông vào sáng thứ Hai đầu tháng, tạo ra dấu ấn “độc nhất vô vị”, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng thanh, thiếu niên các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Điều này diễn ra cách đây gần 50 năm về trước nên lớp trẻ hiện nay người biết, người không, nhưng đấy vẫn mãi là niềm tự hào của Cao Bằng, vì như ta đã biết những năm 1992 - 1996, tất cả các cấp, ngành, địa phương trong cả nước hễ có cuộc kỷ niệm lớn nào, có nghi thức chào cờ là tất cả các thành viên trong buổi lễ đó phải trực tiếp hát bài Quốc ca, không được dùng băng, đĩa hát thay. Có lẽ nhờ đó mà người Mông Phjắc Cát từ xưa đã thương yêu, kính trọng nhau thì nay càng gắn bó keo sơn và thêm tin tưởng vào Đảng, yêu kính Bác Hồ và biết ơn thành quả của Cách mạng Tháng Tám. Cũng nhờ đó mà các luận điệu phản tuyên truyền không vào được đất này. Nhà nào, nhà nấy treo ảnh Bác Hồ, vẫn để bàn thờ tổ tiên, một nét văn hóa truyền đời của người Mông.
Từ chỗ phát hiện ra nét văn hóa đầy ấn tượng của chi đoàn thanh niên nơi đây, Tỉnh đoàn Cao Bằng lúc đó chỉ đạo Phjắc Cát thành xóm điểm, lấy Đoàn Thanh niên làm lực lượng nòng cốt trong việc vay vốn phát triển sản xuất để xóa đói, giảm nghèo; vận động bà con ngói hóa nhà ở, xóa bỏ những mái nhà lợp tranh, lợp máng tre, máng trúc và thay thế nhà cột chôn đất bằng nhà khung gỗ, kê đá tảng. Tín chấp cho mỗi hộ vay 1 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình 133, 134, 135 để cả xóm nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên khá giả. Nhờ đó mà từ những năm 2015, 2020 mỗi hộ đều nuôi từ 2 - 4 con trâu, bò. Riêng các hộ Lò Văn Vừ, Vương Thị Mà, Vương Văn Hâừ nuôi trên 10 con, không những bảo đảm sức kéo, khai phá đồi hoang thành ruộng bậc thang mà khi cần còn có thể đem bán với giá bình quân mỗi con 20 - 25 triệu đồng để lo trang trải cho gia đình và học hành cho con cái, nhờ thế mà Phjắc Cát có nhiều cháu bước chân vào cổng các trường đại học, cao đẳng… nhất là từ khi có đường ô tô đến trung tâm xóm, có điện lưới quốc gia, nhà nào nhà nấy đều sắm được xe máy, tivi… nhiều nhà mua cả máy tẽ ngô, máy cắt cỏ bớt đi nỗi vất vả, nhọc nhằn từ ngàn đời nay; cũng nhờ đó đàn gà, đàn vịt mỗi nhà nhiều hơn, con trâu, con bò to béo, mượt mà, đây thật sự là nét đổi đời của người Mông Phjắc Cát.
Người uy tín xóm Phjắc Cát, xã Dân Chủ (Hòa An) gặp gỡ, tuyên truyền người dân đoàn kết, phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh Kim Thoa
Ở đâu cũng vậy, đường đến, điện đến là ánh sáng văn minh của Đảng đến, cái đói, cái nghèo dần lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho sự no ấm, đủ đầy. Cũng từ đây làm cho người Mông Phjắc Cát đổi mới cách nghĩ, cách làm để cho cuộc sống ngày càng khá giả hơn, mà minh chứng sinh động nhất là gia đình Bí thư Chi bộ Hoàng Thị Hồng và hai anh em Vương Văn Lợi, Vương Văn Vinh nhà ở đều lợp bằng mái tôn xanh, nền lát gạch hoa, trần gỗ thông sáng bóng tọa lạc ngay đầu ngõ. Năm 2017, tình cờ tôi được đến nhà Vương Văn Vinh, thật bất ngờ khi nhìn vào trong bếp thấy ngót nghét 100 bao thóc được xếp chồng lên nhau tươm tất, cứ như là để triển lãm vậy. Dù tôi đến nhiều miền quê nhưng đây là lần đầu tiên được gặp một khung cảnh nói lên sự đủ đầy, no ấm của một gia đình vùng cao núi đá. Khi nghe tôi trầm trồ, chúc mừng những thành quả lao động của gia đình, mẹ của Vinh không giấu nổi niềm vui:
- Số thóc này là từ vụ mùa năm ngoái đấy! Vừa ăn, vừa bán mà vẫn còn từng này, tôi vui lắm. Tất cả là nhờ sức cải tạo đồi hoang thành ruộng cả đấy cháu ạ!
Lần này đến Phjắc Cát, khi tôi bộc bạch niềm vui với Bí thư Chi bộ Hoàng Thị Hồng thì chị cho biết: Phjắc Cát đã có hướng thoát nghèo từ hơn chục năm nay bằng cách động viên, tạo điều kiện cho bà con tích cực khai khẩn đồi hoang thành ruộng bậc thang, kết hợp phát triển đàn trâu, bò và nuôi lợn đen… Đồng thời, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật và giống mới vào gieo trồng nên Phjắc Cát đã và đang từng bước phấn đấu về đích nông thôn mới, mãi mãi xóa đi cảnh quanh năm ăn mèn mén với bát canh rau cải. Nhờ cuộc sống đủ đầy mà những nét văn hóa truyền thống của người Mông được khơi dậy. Từ năm 2020 đến nay, được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã, Phjắc Cát thành lập Câu lạc bộ dân ca Mông với đội khèn Mông gồm 17 thành viên là những chàng trai yêu thích múa khèn dưới sự truyền dạy, dẫn dắt của nghệ nhân Vương Văn Hâừ và Lò Văn Dương. Cùng với đội khèn, đội văn nghệ gồm 28 thành viên là những người yêu thích các làn điệu dân ca Mông truyền thống. Đội văn nghệ có nhiều cuộc giao lưu với các đội văn nghệ của huyện và các xã bạn, từng tham gia biểu diễn phục vụ khách du lịch ở Phố đi bộ Kim Đồng, được người xem nhiệt liệt hoan nghênh. Đi liền đó là Câu lạc bộ thêu trang phục truyền thống của người Mông được thành lập và thêu nhiều sản phẩm làm phong phú thêm các mặt hàng thổ cẩm của tình, góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Cao Bằng. Nói đến đây, Bí thư Hồng cao hứng: Rất tiếc là hôm nay mưa to, mây mù dày đặc nếu không cháu sẽ đưa các chú lên đỉnh đồi sau làng để các chú chiêm ngưỡng ba khu ruộng, mỗi khu rộng ngót nghét 1.000 m2 ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển, có cảm tưởng như lên cao chừng mươi mét nữa là ngang đỉnh Phja Viềng, một trong hai dãy núi cao nhất ở Cao Bằng. Từ đây, trong tôi bỗng vọng về những vần thơ lắng đọng của nhà thơ Hoàng Trung Thông: “… Bàn tay cần cù/Mặc dù nắng cháy/Khoai trồng thắm rẫy/Lúa cây xanh rừng/Hết khoai ta lại gieo vừng/Không cho đất nghỉ không ngừng tay ta”.
Cảm nhận được sự trân trọng, thán phục của tôi trước sức cải tạo thiên nhiên đến mức phi thường của bà con nơi đây, Bí thư Hồng mở lòng: Chú biết không? Đây là ba mỏm đồi cao nhất, to nhất vùng, trước đây bạt ngàn cỏ may và cây giàng giàng, thỉnh thoảng vài bụi sim, mua và chỉ để thả rông trâu, bò. Vì cao quá nên bọn trẻ chúng cháu lúc bấy giờ cứ đùa với nhau rằng: Chiều nay chúng mình lại đuổi trâu lên đỉnh trời mà chăn nhé! Lên đấy tha hồ mà ngắm nghía trời đất và chơi sảng, đánh đáo, đánh khăng vui lắm!
Mặc dù những đám ruộng cao tít, xanh rì trên đỉnh trời này chưa thể so sánh với những cánh đồng bậc thang mênh mang, tít tắp như Hoàng Su Phì (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái) nhưng cũng đủ đề người Mông Phjắc Cát tự hào rằng, đó là công trình kiến tạo vĩ đại của thiên nhiên và con người miền núi. Những nấc thang trời, những cung bậc tình yêu và điệu khèn sâu lắng, bài dân ca Mông trầm bổng, thiết tha cũng từ ruộng, rẫy này mà ra, rồi từ những điệu khèn, khúc hát ấy lại trở thành chất xúc tác cho việc khai khẩn đất hoang để thành ruộng, thành rẫy cho người nông dân nhiều thóc, nhiều ngô hơn, phải chăng đó cũng là một biểu hiện sinh động về sức mạnh của văn hóa, làm cho cuộc sống của người Mông Phjắc Cát ngày càng đủ đầy, tươi sáng.
Tạm biệt Phjắc Cát, tôi cứ bâng khuâng với mây trắng, nắng vàng Mã Quỷnh và xốn xang về những việc làm đầy ý nghĩa, tạo ấn tượng đẹp về sự lao động cần cù, thông minh của người Mông nơi đây. Ngọn gió từ phương Bắc tràn về mang theo mưa và mây mù pha chút lành lạnh tôi như chìm đắm, mộng mơ trước một mùa thu đang chầm chậm trở về và nghe văng vẳng đâu đây tiếng khèn Mông của một chàng trai nào đó da diết như lay động từng gốc cây, ngọn cỏ tha thiết gọi bạn tình. Tiếng khèn như gợi nhớ, gợi thương và nhắn nhủ mỗi người phải thật sự yêu đất, yêu người miền núi cao để tiếng khèn người Mông Phjắc Cát mãi nồng nàn, vang xa và lắng đọng hồn người.
Chu Sĩ Liên