Xử nặng, đánh vào túi tiền người bán thức ăn đường phố có giảm nguy cơ ngộ độc?

Xử nặng, đánh vào túi tiền người bán thức ăn đường phố có giảm nguy cơ ngộ độc?
3 giờ trướcBài gốc
Theo quy định trong tại Điều 16 Nghị định 115/2018 của Chính phủ và Nghị định 124/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định 115, nếu vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố có thể bị phạt từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng.
Trong đó, nếu "không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay" có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Mức phạt này tương tự với hành vi: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn; Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập.
Mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; Người trực tiếp chế biến thức ăn mà đang bị mắc bệnh: tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp;
Sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn, để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống... cũng bị phạt từ 1-3 triệu đồng. Ngoài bị phạt tiền mức này, hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, san chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn còn bị buộc tiêu hủy thực phẩm.
Để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố, nhiều độc giả VietNamNet cho rằng "phải kiểm tra liên tục, đánh vào túi tiền, xử phạt thật mạnh những cơ sở kinh doanh thực phẩm không đảm bảo, dù là thức ăn đường phố hay loại hình nào để tăng tính răn đe, ngăn ngừa hậu quả xấu".
Theo quy định, thức ăn đường phố không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, độc giả có tên Hải Linh cho rằng việc quản lý, xử phạt những gánh hàng rong, hàng bán thức ăn đường phố rất khó. Số lượng hàng quán thức ăn đường phố hiện nay rất lớn, trong khi kinh doanh thức ăn đường phố thường do cấp phường, xã quản lý.
"Lấy đâu nhân lực đủ để đi kiểm tra, kiểm soát hết tất cả? ", vị độc giả này nêu lập luận.
Bạn đọc này cho rằng không thể có chuyện phạt 1 triệu, 3 triệu, thậm chí nâng lên 5-10 triệu đồng với người bán thức ăn đường phố không đeo găng tay, dùng nước không đảm bảo vệ sinh... sẽ có đủ sức răn đe hay giúp tăng cường vệ sinh thực phẩm.
"Cơ quan chức năng không thể có mặt 24/7 để theo dõi, kiểm tra. Quy định có khó cỡ nào, người ta vẫn đối phó được. Nhiều quầy hàng, xe hàng, tấm che ngăn bụi bẩn bám vào thức ăn lúc dùng lúc không. Có người khi cơ quan chức năng phát hiện vi phạm, bị nhắc nhở, còn nói do 'đen' quá mới bị phát hiện", ý kiến nêu.
Chia sẻ trải nghiệm cá nhân, độc giả Bằng Tường cho biết từng chứng kiến cứ vào giờ tan học là đủ loại đồ ăn, thức uống được bày bán trên những chiếc xe đạp, xe đẩy… lại xuất hiện trước cổng trường. Khi cơ quan chức năng đến, thậm chí chỉ mới đang trên đường đến, được phím trước, họ di chuyển rất nhanh sang địa bàn khác.
"Thậm chí có lần tôi thấy họ sẵn sàng bỏ cả phương tiện, đồ nghề, để thoát thân khi bị xử phạt", bạn đọc chia sẻ thêm. Việc xử phạt đã khó khăn, việc quản lý cũng khó với loại hình thức ăn đường phố. Nếu có xảy ra ngộ độc, chắc gì hàng rong, cửa hàng bán thức ăn đường phố đã giữ lại mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân.
Nhiều độc giả cho rằng đảm bảo an toàn thực phẩm là vấn đề nhận thức, ý thức trách nhiệm của người bán lẫn người mua. Xử phạt chỉ là một trong những biện pháp quản lý, không phải là giải pháp cốt lõi, giải quyết được tất cả mối nguy lây nhiễm, đặc biệt với thức ăn đường phố, gánh hàng rong, quán hàng nhỏ.
Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về các điều kiện người kinh doanh thức ăn đường phố phải tuân theo:
Điều 31. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán thức ăn đường phố:
- Phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm.
- Phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố.
Điều 32. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố:
- Nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
- Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh.
- Bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm.
- Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại.
- Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.
- Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm."
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/danh-vao-tui-tien-nguoi-ban-thuc-an-duong-pho-co-giam-duoc-nguy-co-ngo-doc-2280889.html