Xuất khẩu 26 triệu USD cá tra sang Trung Quốc, tiềm lực của Thủy sản Trường Giang thế nào?

Xuất khẩu 26 triệu USD cá tra sang Trung Quốc, tiềm lực của Thủy sản Trường Giang thế nào?
3 giờ trướcBài gốc
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cá tra nguyên con lớn nhất của Việt Nam
Số liệu Tổng Cục Hải quan cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2024, sản phẩm này đạt kim ngạch xuất khẩu trên 168 triệu USD, chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Riêng tháng 8/2024, giá trị xuất khẩu cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh đạt đỉnh với hơn 29 triệu USD. Hiện sản phẩm này đã có mặt tại 73 thị trường toàn cầu.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh từ Việt Nam, với kim ngạch hơn 93 triệu USD trong 8 tháng đầu năm, chiếm 55% tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm này.
Dẫn xuất khẩu cá tra nguyên con sang Trung Quốc là Thủy sản Trường Giang với giá trị gần 26 triệu USD. Ảnh Thủy sản Trường Giang
Những tỉnh thành tại Trung Quốc nhập khẩu mạnh cá tra nguyên con đông lạnh của Việt Nam bao gồm Quảng Đông, Sơn Đông, Thượng Hải, Triết Giang, Hồ Nam, và An Huy.
Hiện có 46 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sản phẩm này sang Trung Quốc, dẫn đầu là Công ty CP Thủy sản Trường Giang với giá trị gần 26 triệu USD, chiếm 28% tổng lượng xuất khẩu. Các công ty khác như Nam Việt, Hoàng Long, Vĩnh Hoàn và Cadovimex II cũng là những nguồn cung cấp quan trọng.
Trung Quốc vốn chủ yếu nhập khẩu cá tra phi lê đông lạnh. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2023, thị trường này đã dần chú ý đến các sản phẩm khác, trong đó có cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh. Năm 2018, mặt hàng này chỉ chiếm khoảng 15% tổng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, nhưng đến năm 2022, tỷ trọng đã tăng lên 25%.
Trước đó, hồi tháng 5/2024, ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang cho biết, là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam, thủy sản Trường Giang hiện xuất khẩu hơn 50% lượng hàng sang Trung Quốc. Còn lại phục vụ chủ yếu các thị trường như Canada, Colombia, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore… Áp lực tồn kho của doanh nghiệp đã giảm dần sẽ là cơ hội để tăng sản xuất và thực hiện những đơn hàng mới với mức giá tốt hơn.
Thời gian gần đây, Trung Quốc giảm tồn kho nên tăng mua, đồng thời các thị trường Nam Mỹ như Colombia chuộng cá tra với giá rẻ nên tăng hơn 100% tỷ trọng xuất khẩu của Trường Giang so với cùng kỳ. Nhìn chung, thị trường không thể hồi phục ngay lập tức, hay khởi sắc chỉ trong thời gian ngắn, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan của tình hình thế giới và cả nội tại doanh nghiệp, để thúc đẩy ngành cá tra trong quý III/2024.
Tiềm lực của Thủy sản Trường Giang
Dữ liệu Thị trường Tài chính cho thấy, Công ty CP Thủy sản Trường Giang thành lập tháng 11/2006, hiện có trụ sở chính tại Lô IV-8, Khu A1, Khu Công nghiệp Sa Đéc, phường An Hòa, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ngành nghề chính của doanh nghiệp là Chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản. Đại diện pháp luật/Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc là ông Lê Ba Tỷ (SN 1961).
Doanh nghiệp đã có nhiều lần thực hiện thay đổi vốn điều lệ. Cụ thể, thời điểm tháng 5/2014, Thủy sản Trường Giang tăng vốn từ 60 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng. Cổ đông góp vốn gồm doanh nghiệp có trụ sở ở Canada là Ocean Packers INC (đại diện góp vón là ông Lenny Gong) góp 50%, ông Lê Ba Tỷ góp 32,5%, Ngô Vân Anh góp 13% và 4,5% do ông Ong Hàng Văn nắm giữ.
Ảnh Thủy sản Trường Giang
Tới tháng 5/2015, doanh nghiệp tăng vốn lên 110,9 tỷ đồng, Ocean Packers INC góp 49,19%, ông Lê Ba Tỷ góp 32,24%, Ngô Vân Anh góp 13,3% và 4,46% do ông Ong Hàng Văn nắm giữ.
Tại tháng 4/2016, Thủy sản Trường Giang có vốn điều lệ đạt 130,9 tỷ đồng, cổ đông ngoại Ocean Packers INC góp 49,19%, các cổ đông khác không được tiết lộ.
Sau nhiều lần thực hiện tăng vốn, tại thay đổi gần nhất vào 4/4/2024, doanh nghiệp tăng vốn từ 416,7 tỷ đồng lên 456,7 tỷ đồng, cổ đông góp vốn không được công bố.
O.L
Nguồn Thị Trường Tài Chính : https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/xuat-khau-26-trieu-usd-ca-tra-sang-trung-quoc-tiem-luc-cua-thuy-san-truong-giang-the-nao-127445.html