Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VinaFruit), tính sơ bộ tháng 7-2025, xuất khẩu rau quả đạt hơn 731 triệu USD, giảm hơn 9% với tháng trước và tăng gần 33% so với cùng kỳ năm 2024.
Tính chung, 7 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu rau quả sơ bộ ước đạt khoảng hơn 3,8 tỉ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu sầu riêng tăng dần
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký VinaFruit, cho biết sau nhiều tháng ảm đạm, thì trong các tháng gần đây, nhất là tháng 6 giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam bất ngờ tăng trưởng trở lại. Số liệu từ Cục Hải quan Việt Nam cho biết chỉ trong tháng 6-2025, xuất khẩu rau quả đạt 807 triệu USD, tăng gần 31% so với tháng liền kề trước đó và tăng trên 20% so với cùng kỳ 2024.
Ngoài sầu riêng, các mặt hàng khác như dừa, xoài, chanh leo, dứa cũng là nhóm bứt phá về mức tăng trưởng trong tháng 6 và tháng 7.
Đây cũng là nhóm có nhiều kỳ vọng về giá trị xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm tới đây.
Một trong những động lực tăng trưởng đến từ việc sầu riêng đã quay trở lại đường đua xuất khẩu.
Theo đó, đứng trước áp lực sầu riêng khó xuất khẩu do Trung Quốc siết chặt quản lý hàm lượng cadimin và chất vàng O, các doanh nghiệp cũng như vùng trồng sầu riêng đã thận trọng hơn trong việc chăm sóc và kiểm tra chất lượng.
Thậm chí có doanh nghiệp còn kiểm tra chất lượng hàng trước khi xuất khẩu. Điều này đã giúp cho lượng hàng đạt chuẩn xuất khẩu tăng.
Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam tăng mạnh, kể cả xuất khẩu vào thị trường Thái Lan. Số liệu trong 6 tháng đầu năm, sầu riêng đông lạnh ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc với 388 lô xuất khẩu, đạt 14.282 tấn, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
"Với mục tiêu xuất khẩu rau quả cả năm 2025 đạt 7,6 tỉ USD, tức tăng 6,8% so với năm 2024, ngành rau quả Việt Nam sẽ phải đạt kim ngạch khoảng 4,55 tỉ - 4,9 tỉ USD trong 6 tháng cuối năm. Đây là một con số đầy thách thức, khi ngành sầu riêng đang còn nhiều khó khăn và thách thức.
Tuy nhiên nếu vướng mắc về kiểm dịch, chất lượng được phục hồi tốt đối với sầu riêng, nhất là vụ mùa thu hoặc sắp tới của Tây Nguyên, thì dự kiến trong quý III xuất khẩu sẽ tăng tốc và bứt phá" - ông Mười nói.
Xuất khẩu sầu riêng kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong quý III nếu kiểm soát được các vấn đề về chất lượng, mã số vùng trồng. ẢNH: VĂN THẮNG
Phó Tổng thư ký VinaFruit cũng cho biết qua đợt công tác mới đây tại khu vực Tây Nguyên, ông nhận thấy các vùng trồng sầu riêng tại đây đang kiểm soát tốt về chất lượng, nhất là hàm lượng cadimin, kỳ vọng sẽ có kết quả tốt trong vụ thu hoạch này.
Các doanh nghiệp cần chủ động mở rộng thị trường
Ông Nguyễn Văn Mười cho biết xét về cơ cấu thị trường, hiện nay thị trường Trung Quốc chiếm tới 90% giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam. Điều này khá rủi ro, vì chỉ cần thị trường này thay đổi quy định thì cả chuỗi đứng lại. Chính vì thế, các doanh nghiệp cần chủ động mở rộng thị trường.
"Hiện có nhiều khu vực tiềm năng cho sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh như các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, liên bang châu Âu, các khu vực Trung Đông, Đông Âu, và các nước Halal...
Trong đó sầu riêng đông lạnh, chế biến rất phù hợp với các quốc gia phương Tây vì dễ bảo quản, lại không quá nặng mùi..." - ông Mười chia sẻ.
THU HÀ