Vòng xoáy leo thang
Các bên liên tiếp tung ra đòn “ăn miếng trả miếng” khá nặng cân. Được bật đèn xanh, Ukraine nhiều lần phóng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ, Anh cung cấp vào sâu lãnh thổ Nga. Tổng thống Ukraine kêu gọi phương Tây chi viện mạnh hơn để kết thúc thắng lợi xung đột với Nga vào năm 2025.
Nga sử dụng tên lửa Oreshnik để tấn công Ukraine, mô tả đây là loại tên lửa hiện đại, không thể bị đánh chặn.(Nguồn: Reuters)
Ngày 21/11, Nga lần đầu tiên phóng tên lửa siêu vượt âm (tốc độ Mach 10) Oreshnik, loại vũ khí công nghệ mới, “không thể bị đánh chặn” vào mục tiêu quân sự ở thành phố Dnipro. Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin chính thức phê chuẩn sửa đổi học thuyết hạt nhân.
Moscow phản công chiếm lại 40% diện tích tỉnh Kursk, đặt quân Kiev vào tình thế bị vây ép, tiêu diệt bất cứ lúc nào. Đồng thời, đạt bước tiến kỷ lục trên chiến trường Ukraine. Chưa khi nào Nga hành động quyết liệt, tiến công dữ dội với tốc độ lớn như vậy.
NATO họp khẩn, bàn cách đối phó, đề xuất khuyến nghị các thành viên cung cấp mọi loại vũ khí cần thiết cho Ukraine. Mỹ hoàn thành bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa ở Bắc Ba Lan và sẵn sàng triển khai tên lửa ở Nhật Bản.
Mức căng thẳng tiếp tục được đẩy lên. Rộ tin Washington có thể cung cấp tên lửa chiến lược Tomahawk cho Kiev. Thậm chí có chuyên gia kiến nghị Mỹ chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine!
Nga lập tức đáp trả mạnh mẽ, nói tên lửa Oreshik có thể được sử dụng với quy mô lớn hơn. Theo hãng thông tấn TASS, Moscow chuẩn bị đưa tên lửa xuyên lục địa “uy lực nhất thế giới” RS-28 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào trực chiến. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Dmitry Medvedev tuyên bố Moscow buộc phải tiến công căn cứ quân sự của NATO nếu phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine chống lại Nga.
Các con bài chưa lộ hết. Chưa biết các bên sẽ đưa ra những đòn gì nữa? Nhưng có thể nói vòng xoáy “ăn miếng trả miếng” còn kéo dài, cả trên chiến trường và trên truyền thông.
Cuộc chiến truyền thông
Thông tin hai bên đưa ra trái ngược, có lúc tưởng như nói về hai cuộc chiến khác nhau. Tại Kursk, có chuyên gia nói tình báo Nga bất lực, dẫn tới sai lầm chiến lược, thiệt hại về thế trận, tổn thất lực lượng, mất uy tín; hơn ba tháng mà không chiếm lại, chứng tỏ khả năng có hạn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Ukraine sai lầm, thất bại cả về chính trị, quân sự; lực lượng tinh nhuệ bị cài vào thế bao vây. Nga chưa phản công lớn tại Kursk để tập trung sức đột phá trên chiến trường Ukraine.
Cuộc chiến tên lửa cũng vậy. Một bên khẳng định đòn tấn của tên lửa Oreshik là vô đối, có ý nghĩa lớn về quân sự, chính trị, cả với Ukraine và NATO. Bên kia ngược lại, nói Oreshik mang đầu đạn không chứa thuốc nổ, sức công phá không đáng kể, Nga chưa sản xuất nhiều tên lửa loại này và đây chỉ là “đòn gió”!
Tương tự, thông tin về tổn thất của hai bên cũng rất khác nhau. Đây chỉ là những ví dụ cụ thể cho nhiều trường hợp khác. Trong một cuộc chiến kéo dài, trên phạm vi rộng, giá trị, ý nghĩa của một hoạt động quân sự phải đặt trong chiến lược tổng thể với nhiều mục đích khác nhau.
Ý kiến trái ngược nhau là kết quả cuộc chiến thông tin giữa các bên, trong đó phương Tây có ưu thế hơn. Một số chuyên gia do thiên lệch một bên hoặc thông tin chưa đầy đủ, bị nhiễu. Trong diều kiện chiến tranh thông tin phát triển cao, đánh giá đúng thực chất là việc khó, dễ bị tác động. Vì thế, cần xem xét một cách khách quan, toàn diện và vận động.
Chiến tranh thông tin cùng với cuộc chiến tên lửa, sự gia tăng đòn tấn công chưa từng thấy làm dấy lên lo ngại về tình thế “bên miệng hố chiến tranh”, nguy cơ Thế chiến III.
Lực lượng cứu hộ dập tắt đám cháy tại một ngôi nhà đang bốc cháy do cuộc không kích của Nga ở Dnipro, Ukraine hôm 21/11. (Nguồn: AP)
Nguy cơ hiện hữu
Cả Nga và phương Tây đều nói đến nguy cơ Thế chiến III, thậm chí là chiến tranh hạt nhân. Theo một số chuyên gia phương Tây, việc hiện diện lực lượng quân sự bên thứ ba ở Ukraine (ám chỉ Triều Tiên) và sự can dự mạnh hơn, sâu hơn, trực tiếp hơn của NATO vào xung đột là những chỉ dấu về nguy cơ của Thế chiến tiếp theo.
Vì sao các bên cùng nhấn mạnh tình thế “bên miệng hố chiến tranh”? Đằng sau cảnh báo nóng là gì?
Mục đích của Tổng thống Volodymyr Zelensky là lôi kéo NATO và phương Tây can dự sâu hơn, viện trợ nhiều hơn, với lý do ngăn chặn mối đe dọa Nga đối với an ninh châu Âu và Mỹ. Đồng thời, muốn chứng tỏ việc NATO kết nạp Kiev là nhu cầu cấp thiết.
Cảnh báo của phương Tây, NATO và Mỹ nhằm tạo sự thống nhất, củng cố quyết tâm và thúc đẩy hành động mạnh hơn, buộc Nga vào thế thất bại, suy yếu. Đó còn là cái cớ để biện minh cho việc củng cố, mở rộng NATO và gia tăng ngân sách quốc phòng.
Nga nhiều lần cảnh báo về nguy cơ Thế chiến III để răn đe NATO chớ can dự trực tiếp, mạnh hơn vào xung đột ở Ukraine. Đồng thời là đòn tâm lý nhằm tác động vào người dân các nước phương Tây, không để chính phủ của họ dính líu sâu, lôi kéo đất nước vào cuộc xung đột không mấy liên quan.
Những hành động trên còn liên quan đến thời điểm hai tháng nữa, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên thệ nhậm chức. Một bên muốn tạo sự đã rồi, rào cản ngăn tân chủ nhân Nhà Trắng “quay xe” trong chính sách với Ukraine. Bên kia muốn tận dụng mặt tích cực từ tuyên bố hạn chế viện trợ cho Kiev, thúc đẩy đàm phán chấm dứt xung đột, như lời hứa tranh cử của ông Donald Trump. Ai cũng muốn tạo kết cục có lợi trước ngày 20/1/2025.
Nguy cơ xung đột ở Ukraine bùng phát thành Thế chiến III không thể loại trừ hoàn toàn. (Nguồn: AWC)
Với mục tiêu sâu xa quyết đánh bại đối thủ; chiến lược “mù mờ”, khó đoán định, cả trên chiến trường và truyền thông, của các bên, thì nguy cơ xung đột ở Ukraine bùng phát thành Thế chiến III không thể loại trừ hoàn toàn.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự phương Tây thừa nhận tên lửa ATACMS, Tomahawk có thể gây nhiều khó khăn cho Moscow, khiến xung đột kéo dài, nhưng không quyết định cục diện chiến trường, bởi số lượng có hạn, lãnh thổ Nga rộng và tiềm lực quân sự, công nghiệp quốc phòng lớn. Nga đang có lợi thế chiến trường, không tự khiêu khích, tạo cớ cho NATO trực tiếp tham chiến, trừ phi bị buộc vào “thế chân tường”.
Từ ý đồ chiến lược, tương quan lực lượng tổng hợp của các bên và tình trạng đã nhiều lần “lằn ranh đỏ” bị vượt qua, có thể dự báo nguy cơ Thế chiến III – cuộc chiến tranh hạt nhân ít khả năng xảy ra. Bởi hậu quả thảm khốc khó lường với tất cả.
Chừng mực nào đó, tình thế “bên miệng hố chiến tranh”, nguy cơ cuộc chiến hạt nhân cũng là nhân tố buộc các “đầu nóng” phải cân nhắc thận trọng, tìm kiếm giải pháp dự phòng. Các bên đều tính tới phương án đàm phán. Vấn đề là khả năng nhượng bộ đến đâu và đạt được mục tiêu nào?
Cả Nga và phương Tây đều nói đến nguy cơ Thế chiến III, thậm chí là chiến tranh hạt nhân.
Đàm phán chông gai
Như vậy, diễn biến cuộc xung đột căng thẳng, phức tạp, vẫn không khóa chặt cánh cửa đàm phán. Một số dự báo lạc quan cho rằng đàm phán có thể diễn ra và cơ bản ngã ngũ trong năm 2025. Vấn đề cơ bản, gai góc nhất là điều kiện tiên quyết của các bên.
Ukraine vẫn không từ bỏ đòi hỏi Nga rút hết quân khỏi các khu vực chiếm đóng, kể cả bán đảo Crimea và được kết nạp vào NATO. Đồng thời yêu cầu phương Tây, NATO chi viện để tạo thế có lợi với Nga, trước khi chấp nhận đàm phán. Thực chất là lôi kéo phương Tây, NATO can dự lâu dài vào cuộc xung đột
Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2/2022 là việc NATO mở rộng, áp sát Nga từ mọi phía. Tìm cách hỗ trợ Kiev cải thiện cục diện, kéo dài cuộc chiến tiêu hao, đẩy Moscow vào thế sa lầy, suy yếu, là toan tính thực tế của NATO và phương Tây.
Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ có thể vừa cắt giảm viện trợ cho Ukraine vừa gây sức ép với với cả hai bên, buộc Kiev nhượng bộ một phần lãnh thổ, treo yêu cầu gia nhập NATO, đổi lấy “đóng băng” xung đột.
Nga không thể chấp nhận thỏa hiệp nửa vời. Ngoài duy trì, khôi phục các khu vực tuyên bố sáp nhập, Nga muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ và NATO. Điều kiện không khoan nhượng của Moscow là Kiev trung lập hoàn toàn, vĩnh viễn không gia nhập NATO.
Như thế, kịch bản đàm phán vẫn còn hy vọng, nhưng diễn biến phức tạp và chưa thể nói trước điều gì?
TS. Vũ Đăng Minh