1/3 dự án bất động sản vướng mắc ở TP.HCM liên quan đến tài chính

1/3 dự án bất động sản vướng mắc ở TP.HCM liên quan đến tài chính
2 giờ trướcBài gốc
TP.HCM có 168 dự án bất động sản gặp vướng mắc. Ảnh: Duy Hiệu.
Sáng 11/10, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 nhằm tổ chức triển khai có hiệu quả trong thực tiễn chính sách mới của các Luật.
Phần lớn dự án gặp vướng mắc tài chính
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh thị trường bất động sản đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định lớn cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu, bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng thời, góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đô thị, du lịch.
Ngoài ra, thị trường bất động sản cũng có tác động lớn đến hàng loạt thị trường về vốn, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động...
Tuy nhiên, thời gian qua có không ít dự án còn nhiều vướng mắc. Do đó, ông kỳ vọng việc ban hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có thể kịp thời tháo gỡ những tồn tại, hạn chế thời gian qua của thị trường.
Nhìn lại 168 dự án gặp vướng tại TP.HCM, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết 1/3 số dự án này đều bị vướng mắc về vấn đề tài chính.
Theo ông, việc một doanh nghiệp triển khai nhiều dự án là bình thường, tuy nhiên, nếu tài chính hạn chế và dàn trải dòng tiền, họ sẽ phải vay nợ hoặc phát hành trái phiếu để có thêm vốn. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ dự án bị đình trệ khi gặp vấn đề về tài chính.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trọng Tín.
Do vậy, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã luật hóa một số quy định của Nghị định về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản.
Ông Hoàng Hải cho biết một trong những điều kiện đầu tiên đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản là phải thành lập doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp này phải đảm bảo tỷ lệ dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, doanh nghiệp phải có ít nhất 20% vốn tự có cho các dự án dưới 20 ha và 15% cho dự án trên 20 ha. Nếu thực hiện nhiều dự án cùng lúc, tỷ lệ vốn tự có này phải đảm bảo cho từng dự án riêng.
Ông Hải nhấn mạnh đây là điều kiện tiên quyết để được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư. Từ đó, hạn chế những dự án bị vướng mắc sau khi đi vào triển khai.
Luật mới đẩy nhanh việc gỡ vướng các dự án bất động sản
Trả lời bên lề hội nghị, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho rằng Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản 2023 tác động trực tiếp đến người dân, cũng như sự phát triển của TP.HCM.
Ông cho rằng hai luật mới đã quy định chi tiết hơn về thủ tục và các giai đoạn phát triển dự án nhà ở, kinh doanh bất động sản.
"Trước đây, những quy định này nằm rải rác trong các luật cũ, nghị định, thông tư và văn bản hướng dẫn, nhưng nay đã được luật hóa rõ ràng. Điều này giúp minh bạch hơn về thủ tục, trách nhiệm, quy trình và thời gian thực hiện, đồng thời giúp doanh nghiệp nắm rõ các bước triển khai dự án. Nhờ vậy, việc tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý và quy trình sẽ trở nên dễ dàng hơn", ông nói.
UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023. Ảnh: Trọng Tín.
Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh đây lần đầu tiên 3 luật có liên quan đến bất động sản cùng có hiệu lực đồng thời và Chính phủ ban hành nhiều nghị định.
Theo ông, các luật mới mang lại sự linh hoạt cho chủ đầu tư, quy trình rõ ràng và có nhiều ưu đãi, tạo điều kiện cho thị trường phát triển nhanh và bền vững hơn.
"Nếu các địa phương thực hiện đúng quy định, sẽ giải quyết được nhiều dự án đang gặp vướng mắc, kể cả các dự án tồn đọng lâu nay", ông nhấn mạnh.
Trên thực tế, riêng tại TP.HCM, thời gian qua đã có nhiều dự án được tháo gỡ vướng mắc và bắt đầu triển khai trở lại.
Thống kê của CBRE cho thấy trong quý III vừa qua, các dự án như D-Homme (quận 6), D-Aqua (quận 8), Lavida Plus (quận 7) đã được tái khởi động.
Ngoài các dự án trên, đến cuối quý III, một số dự án gặp vướng mắc pháp lý trước đó như Gem Riverside (Đất Xanh Homes Riverside) tại TP Thủ Đức hay The Forest Gem (tên mới là Central Home Saigon) tại Bình Thạnh cũng chuẩn bị tái khởi công năm nay.
"Đây được xem là tín hiệu đáng mừng về tiến độ tháo gỡ pháp lý của các dự án bất động sản tại TP.HCM kể từ khi số lượng dự án được cấp phép mới tại TP.HCM giảm mạnh từ 2019", chuyên gia tại CBRE nhìn nhận.
Liên Phạm
Nguồn Znews : https://znews.vn/13-du-an-bat-dong-san-vuong-mac-o-tphcm-lien-quan-den-tai-chinh-post1503391.html