Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan giai đoạn 1 đã kết thúc với phán quyết tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ; 16 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt là tử hình.
Các bị cáo khác đa số được HĐXX cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt từ 1-5 năm tù so với bản án sơ thẩm.
Đáng chú ý trong số đó có hai bị cáo là Nguyễn Thị Phi Loan (Cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM) và Trần Thị Kim Chi (Cựu nhân viên Công ty Cổ phần Natural Land) được HĐXX xem xét áp dụng áp dụng giảm nhẹ cho hưởng án treo.
Không trực tiếp thanh tra ngân hàng SCB
Cụ thể, đối với bị cáo Nguyễn Thị Phi Loan, tòa sơ thẩm nhận định, bên cạnh hoạt động thanh tra ngay sau khi hợp nhất để giám sát tình hình hoạt động và thực hiện Đề án cơ cấu lại đối với ngân hàng SCB nhằm phát hiện các sai phạm và kịp thời chấn chỉnh, giúp ngân hàng SCB hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành bảy quy chế giám sát, giám sát tăng cường SCB cho từng giai đoạn.
2/48 bị cáo được tòa án cấp phúc thẩm xem xét cho hưởng án treo. Ảnh: NGUYỆT NHI
Trong đó, từ tháng 3-2016 đến tháng 10-2022, Cục Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh TP.HCM và NHNN đã ban hành một quy chế giám sát, ba quy chế giám sát tăng cường và thành lập bốn tổ giám sát để triển khai thực hiện. Đây là giai đoạn được xác định diễn ra các hành vi sai phạm của các cá nhân tại Cục II, đoàn thanh tra, tổ giám sát đã tạo điều kiện cho ngân hàng SCB thực hiện hoạt động cho vay lũy tiến theo từng năm dẫn đến hệ quả Trương Mỹ Lan rút tiền sử dụng vào các mục đích khác nhau gây ra thiệt hại đặc biệt lớn.
Tuy nhiên, xét thấy ngày 21-4-2015 bị cáo Loan mới được bổ nhiệm làm Phó Cục trưởng Cục II và từ ngày 13-8-2015 đến khi bị cáo nghỉ hưu vào ngày 31-8-2022 được Thống đốc NHNN giao nhiệm vụ là Trưởng ban kiểm soát đặc biệt ngân hàng Đông Á, không phụ trách giám sát với ngân hàng SCB.
Do đó, hành vi duyệt trình để Nguyễn Văn Dũng (cựu Cục trưởng Cục II) ký văn bản số 31 ngày 19-3-2015 để báo cáo cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng mặc dù được xác định nội dung báo cáo không đúng thực trạng tài chính và sai phạm của ngân hàng SCB theo dự thảo kết luận thanh tra năm 2014 nhưng ngày 8-7-2015 với vai trò là Cục phó Cục II bị cáo đã có văn bản số 160 đề xuất để giám sát chặt chẽ hoạt động SCB.
Đồng thời, do không đảm nhiệm công việc giám sát tại ngân hàng SCB từ tháng 8-2015 nên bị cáo Nguyễn Thị Phi Loan ký thông báo số 49 ngày 25-2-2012 là theo nội dung truyền đạt ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp giao ban do Cục trưởng chủ trì.
Do đó, hành vi của bị cáo Nguyễn Thị Phi Loan có vai trò thứ yếu, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: trong quá trình công tác nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được thưởng kỷ niệm chương tặng Bằng khen của Thống đốc NHNN, Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.HCM...và tự nguyện nộp số tiền 100 triệu đồng.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là Trưởng ban kiểm soát đặc biệt tại ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á từ tháng 8-2015 đến tháng 8-2022 bị cáo đã được Thống đốc NHNN ghi nhận và tặng bằng khen do đã có thành tích xuất sắc trong quá trình tham gia cơ cấu lại ngân hàng Đông Á. Do đó, đề nghị của VKS áp dụng Điều 65 BLHS (án treo) đối với bị cáo Loan là có căn cứ để chấp nhận từ đó tuyên phạt bị cáo Loan 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo (cấp sơ thẩm tuyên phạt 4 năm).
Phạt 4 năm tù là quá nghiêm khắc
Đối với nhóm các bị cáo Bùi Đức Khoa, Nguyễn Thị Khánh Vân và Trần Thị Kim Chi theo bản án sơ thẩm các bị cáo này có nhiệm vụ tìm kiếm thông tin của các cá nhân và chuyển những thông tin này trong nhóm của bị cáo Nguyễn Phương Anh để nhóm Phương Anh thành lập các công ty không có thật. Các bị cáo này không lên phương án vay vốn thực hiện hành vi phạm tội do tin tưởng và làm theo chỉ đạo nên vai trò có phần hạn chế.
Thiệt hại được xác định là các bị cáo Bùi Đức Khoa có hành vi giúp sức, gián tiếp gây thiệt hại số tiền là hơn 154.000 tỉ đồng, bị cáo Nguyễn Thị Khánh Vân là hơn 40.000 tỉ đồng, bị cáo Trần Thị Kim Chi là hơn 37.000 tỉ đồng.
Với vai trò giúp sức như trên, khi so sánh tính chất, mức độ và số tiền gây thiệt hại cho thấy việc tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Bùi Đức Khoa 11 năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Vân và bị cáo Nguyễn Thị Thị Kim Chi với mức hình phạt bốn năm tù là quá nghiêm khắc và không đảm bảo tính công bằng với bị cáo khác trong cùng vụ án.
Bên cạnh đó thì có đủ căn cứ xác định tại cấp phúc thẩm bị cáo Trần Thị Kim Chi hiện mới sinh con nhỏ (sinh ngày 11-10-2024). Vì vậy, HĐXX thấy cần chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ba bị cáo này, theo đó giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Khoa, Vân và cho bị cáo Chi được hưởng án treo như đề nghị của đại diện VKS là có căn cứ để chấp nhận.
HỮU ĐĂNG