Bị cáo Nguyễn Văn Hậu
Trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, bị cáo Nguyễn Văn Hậu bị cáo buộc lợi dụng mối quan hệ cá nhân hoặc qua công việc, để đưa tiền cho nhiều cá nhân là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Quảng Ngãi với tổng số tiền hơn 132 tỷ đồng.
Thông qua việc hối lộ hoặc "nhờ cậy" các lãnh đạo, Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng nhiều gói thầu tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Quảng Ngãi. Sau khi trúng thầu, Hậu chỉ đạo thực hiện việc chuyển nhượng thầu trái pháp luật, gây thiệt hại của Nhà nước hơn 459 tỷ đồng. Hành vi này được xác định phạm vào tội danh "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngoài ra, Hậu còn chỉ đạo cấp dưới dùng hai hệ thống sổ sách kế toán, gây thiệt hại của Nhà nước 504 tỷ đồng tiền thuế. Hành vi này được xác định phạm vào tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Với các hành vi này, Hậu bị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt mức hình phạt chung là 30 năm tù. Cơ quan tố tụng xác định Nguyễn Văn Hậu đã gây thiệt hại 963 tỷ đồng ở các hành vi vi phạm về đấu thầu và kế toán. Cùng với 204 tỷ đồng khi xác định lại giá đất, bị cáo Hậu bị Viện Kiểm sát cáo buộc gây thiệt hại cho Nhà nước với tổng số 1.164 tỷ đồng.
Trong giai đoạn điều tra và truy tố, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn đã nộp hơn 84 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Ngoài ra, Hậu còn bị thu giữ 534 lượng vàng SJC; phong tỏa 24 tài khoản ngân hàng tổng trị giá hơn 247 tỷ đồng; kê biên hơn 1.000 bất động sản...
Với việc Tập đoàn Phúc Sơn nộp thêm 768 tỷ đồng để "Khắc phục hậu quả thay cho ông Nguyễn Văn Hậu", số tiền khắc phục của bị cáo Hậu được tính cộng thêm số tiền bị phong tỏa tại ngân hàng của bị cáo Hậu (hơn 247 tỷ đồng), số tiền đã nộp ở giai đoạn trước khi xét xử vụ án (hơn 84 tỷ đồng)... thì toàn bộ hậu quả vụ án (1.164 tỷ đồng) đã được khắc phục.
Luật sư Bùi Đình Ứng (luật sư bào chữa cho Nguyễn Văn Hậu) cho biết, sau khi khắc phục số tiền bị thiệt hại trong vụ án, bị cáo có nguyện vọng xin Tòa án giải tỏa kê biên, phong tỏa đối với các tài sản còn lại và tuyên trả toàn bộ số vàng, USD đang bị tạm giữ.
Nguyễn Văn Hậu và Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn còn liên quan đến vụ án tại Dự án Khu đô thị trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang, Khánh Hòa (ảnh).
Quá trình xét xử vụ án này, bị cáo Nguyễn Văn Hậu và đại diện Tập đoàn Phúc Sơn đều xin Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho bán đất hoặc để "đối tác" nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án. Hậu cho biết sẽ cố gắng khắc phục hoàn toàn hậu quả trước ngày tuyên án để 40 bị cáo còn lại có thể được giảm nhẹ hình phạt.
Nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án, bị cáo Hậu trình bày: Ngay từ khi chưa bị khởi tố, bị cáo đã nhận thức sai phạm. "Sự thật chỉ có một, tội đã rõ, hành vi đã rõ, tôi không muốn nhắc nhiều. Không có công dân nào sống trên luật pháp được".
Theo trình bày của bị cáo Hậu, sau khi nghe mức án mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng cho mình, bị cáo hơi choáng. Nhưng từ lương tâm của mình, bị cáo nhận thức rõ trách nhiệm của mình, bị cáo gửi lời xin lỗi đến người thân và các bị cáo khác.
Bị cáo Hậu nhận thức được, sai phạm của bị cáo phải trả giá bằng 30 năm tù thì bị cáo cũng đồng thuận với mức án mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị. "Khi điều tra viên khám xét nhà tôi đã hỏi: "Tại sao giấy tờ mua vàng gần 10.000 cây mà giờ chỉ còn 500 cây. Tôi bảo, sổ sách tôi có, nhưng tôi nghĩ chết cũng không mang theo được gì nên tôi đã dùng để làm nhà cho người nghèo", bị cáo Hậu kể lại.
Được biết, ngoài vụ án đang bị đưa ra xét xử, Nguyễn Văn Hậu và Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn còn liên quan đến vụ án khác xảy ra tại tỉnh Khánh Hòa (cũ) cùng một số địa phương khác. Đây là vụ án liên quan Dự án Khu đô thị trung tâm thương mại-dịch vụ-tài chính-du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) do Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư.
Theo kế hoạch, sáng nay (ngày 4-7), Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.
T.A