Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, vừa ra thông báo về việc tổ chức đánh giá năng lực đầu vào môn mỹ thuật, diễn ra vào sáng ngày 31-7.
Thông báo đánh giá năng lực đầu vào môn mỹ thuật của Trường THPT Lê Quý Đôn. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH
Bài đánh giá năng lực dành cho 66 học sinh đã đăng ký học tổ hợp có môn mỹ thuật. Mục tiêu là phân loại theo định hướng nghề nghiệp, đồng thời đánh giá năng khiếu thẩm mỹ, khả năng cảm thụ không gian và bố cục tạo hình của học sinh.
Nội dung khảo sát gồm ba phần. Phần đầu là bảng câu hỏi trắc nghiệm trên Google Form nhằm tìm hiểu sở thích nghệ thuật và định hướng nghề nghiệp. Phần thứ hai, học sinh thực hiện một bài vẽ tĩnh vật đơn giản bằng bút chì trên giấy khổ A3 (giấy Canson vân ngang), với các vật thể cơ bản như quả bóng, khối lập phương… Phần cuối cùng là hoạt động giao lưu cùng câu lạc bộ Mĩ thuật của trường.
Bảng điểm đánh giá các tiêu chí của bài đánh giá năng lực. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH
Theo nhà trường, bài khảo sát không mang tính thi tuyển và không dùng để loại học sinh. Tất cả 66 học sinh đăng ký môn mỹ thuật đều được tiếp nhận.
“Năm 2023, trường cũng tổ chức khảo sát nhưng chỉ tập trung vào năng khiếu mĩ thuật. Năm nay, bài đánh giá được thiết kế để giúp học sinh hiểu rõ hơn về sở thích cá nhân, định hướng nghề nghiệp cũng như năng lực thẩm mĩ và nhận thức tạo hình" - Hiệu trưởng Bùi Minh Tâm nói.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn tham gia bài khảo sát năng lực mĩ thuật vào năm ngoái. Ảnh: NTCC
Bà Tâm cũng nhấn mạnh bài khảo sát được tổ chức với tinh thần nhẹ nhàng, khuyến khích học sinh trải nghiệm, không cần ôn luyện áp lực hay lo lắng về kết quả.
Nhà trường yêu cầu học sinh mang theo đầy đủ dụng cụ như bảng vẽ A3, bút chì mềm, gôm, gọt bút chì, que đo, băng keo giấy, kẹp bướm, bút viết và ghế ngồi riêng khi tham dự khảo sát.
Mục tiêu của hoạt động này giúp học sinh nhận diện rõ thế mạnh và sở thích trong lĩnh vực mỹ thuật, tạo nền tảng định hướng nghề nghiệp tương lai phù hợp như thiết kế, kiến trúc, mỹ thuật ứng dụng. Dựa trên kết quả khảo sát, trường sẽ tổ chức các lớp học linh hoạt theo nhóm năng lực nếu có nhu cầu.
Bà Tâm khẳng định toàn bộ thông tin khảo sát chỉ phục vụ cho công tác giảng dạy và tư vấn hướng nghiệp, không công khai hay so sánh giữa các học sinh.
Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 10 sẽ có 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Ngoài ra, học sinh được chọn 4 trong 9 môn khác (Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật).
Việc triển khai giảng dạy các môn học tự chọn phụ thuộc vào đội ngũ nhân sự và cơ sở vật chất của từng trường. Ghi nhận của phóng viên tại TP.HCM cho thấy hiện tại, số trường tổ chức giảng dạy môn mỹ thuật ở cấp THPT còn khá hạn chế.
NGUYỄN QUYÊN