Đây là bước cải tổ lớn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tinh giản bộ máy và cải thiện chất lượng phục vụ người dân.
Theo đó, thực hiện Quyết định số 391/QĐ-BTC ngày 26/2/2025 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chủ động triển khai ngay việc sắp xếp tổ chức bộ máy của toàn hệ thống theo ba cấp: Trung ương, khu vực và huyện.
Cụ thể: Bảo hiểm xã hội khu vực được tổ chức thành 35 khu vực trên toàn quốc, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Bảo hiểm xã hội cấp huyện được tổ chức thành 350 đơn vị trên cả nước, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.
Ảnh minh họa
Theo kế hoạch, 10 bảo hiểm xã hội khu vực đầu tiên sẽ triển khai hoạt động từ hôm nay (ngày 1/4/2025), gồm:
Bảo hiểm Xã hội khu vực I (Hà Nội)
Bảo hiểm Xã hội khu vực IV (Bình Dương)
Bảo hiểm Xã hội khu vực VI (Thanh Hóa)
Bảo hiểm Xã hội khu vực VII (Nghệ An)
Bảo hiểm Xã hội khu vực X (Thái Nguyên - Bắc Kạn)
Bảo hiểm Xã hội khu vực XI (Bắc Giang - Bắc Ninh)
Bảo hiểm Xã hội khu vực XVII (Yên Bái - Lào Cai)
Bảo hiểm Xã hội khu vực XIX (Hà Giang - Tuyên Quang)
Bảo hiểm Xã hội khu vực XXII (Đà Nẵng - Quảng Nam)
Bảo hiểm Xã hội khu vực XXXII (Cà Mau - Bạc Liêu)
Tiếp đó, từ ngày 1/6/2025, có 25 bảo hiểm xã hội khu vực khác sẽ đi vào hoạt động theo cơ cấu mới.
Với những thay đổi lớn từ ngày 1/4/2025, người dân và doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin để thích nghi với mô hình mới, đồng thời tận dụng các tiện ích mà hệ thống bảo hiểm khu vực mang lại.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện nhằm đảm bảo tính hiệu quả và không đứt quãng hoạt động khi chuyển sang mô hình mới.
Việc tái cấu trúc hệ thống bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu: Tinh gọn bộ máy hành chính, giảm chi phí vận hành, tăng cường quản lý, giám sát hiệu quả việc thực hiện chính sách bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người tham gia bảo hiểm.
Bảo Thoa