Hình ảnh vệ tinh được Maxar Technologies thu thập ngày 29/6 đã "tiết lộ hoạt động đang diễn ra trong và gần các trục thông gió, các lỗ hổng do cuộc không kích của Mỹ gây ra".
Cụ thể, một máy xúc và một số nhân viên được bố trí ngay cạnh trục thông gió phía bắc trên sườn núi. Cần cẩu dường như đang hoạt động ở miệng hố.
Một số phương tiện khác cũng được nhìn thấy ở chân núi, đỗ dọc theo con đường được xây dựng để tiếp cận địa điểm này.
Hình ảnh vệ tinh tại nhà máy Fordow. (Ảnh: Maxar)
Trước đó ngày 22/6, máy bay ném bom B-2 của Mỹ đã thả hơn một chục quả bom phá boongke xuống các nhà máy hạt nhân Fordow và Natanz của Iran, trong khi tên lửa Tomahawk phóng từ tàu ngầm Mỹ đã tấn công nhà máy Isfahan ở miền trung Iran.
Theo Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Dan Caine, bom xuyên phá của Mỹ đã nhắm vào hai trục thông gió tại Fordow.
Ông cho biết trong cuộc họp báo của Lầu Năm Góc tuần trước, rằng hầu hết những quả bom thả xuống Fordow "đều được nhắm vào trục chính, lao xuống khu phức hợp ngầm với tốc độ hơn 1.000 km/h và phát nổ".
Theo cựu thanh tra hạt nhân David Albright, hiện là người đứng đầu Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, các công nhân Iran đang tích cực làm việc tại vị trí nơi bom Mỹ rơi trúng, có thể bao gồm hoạt động lấp đầy các hố bom, đánh giá thiệt hại về kỹ thuật hoặc lấy mẫu phóng xạ".
“Chúng tôi quan sát thấy người Iran cũng đã nhanh chóng sửa chữa thiệt hại do bom trên đường vào từ vài ngày trước. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy bất kỳ nỗ lực nào để mở lại lối vào đường hầm”, ông Albright viết trên X.
Ngày 29/6, người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cho biết, các cuộc không kích của Mỹ vào Iran chưa phá hủy hoàn toàn chương trình hạt nhân của nước này. Do đó, Tehran có thể tái khởi động việc làm giàu uranium “trong vài tháng”. Thông tin này trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng Mỹ đã đẩy lùi chương trình hạt nhân của Tehran trong nhiều thập kỷ.
Minh Hạnh
Theo CNN