4 giải pháp "mềm", 6 giải pháp "cứng"
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, nhất là khu vực đô thị trung tâm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó đặc biệt là tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân đang tạo thành thách thức thực sự với Hà Nội
"Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, Sở GTVT đã xây dựng Đề án tổng thể giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo. Trong đó nêu rõ 10 nhóm giải pháp lâu dài, 4 nhóm giải pháp trước mắt", ông Trần Hữu Bảo nhấn mạnh.
Đối với 10 nhóm giải pháp lâu dài, chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, có thể tạm chia thành hai nhóm nhỏ, bao gồm nhóm 6 biện pháp "mềm", và nhóm 4 giải pháp "cứng".
Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội thường xuyên xảy ra.
Cụ thể: Đối với 6 nhóm giải pháp "mềm" là: tháo gỡ khó khăn, xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể, hiệu quả để phát triển hạ tầng giao thông, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC); quản lý, điều chỉnh quy hoạch GTVT; quản lý nhu cầu giao thông; tuyên truyền, nâng cao ý thức, văn hóa giao thông; và tăng cường xử phạt vi phạm.
Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP trình lên Thành ủy, HĐND TP xem xét, ban hành 4 nghị quyết về: phát triển hạ tầng giao thông; quản lý, khai thác đường đô thị; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe; chính sách chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch.
Đồng thời, ban hành các Đề án: đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt; Triển khai Giao thông thông minh tại Hà Nội; Nghị quyết về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng trạm sạc và phương tiện VTHKCC bằng xe buýt năng lượng điện, năng lượng xanh.
"Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông cũng được xem là nhóm giải pháp căn bản và lâu dài, cần được tăng cường cả chiều rộng và chiều sâu đến mọi tầng lớp nhân dân.
Mục tiêu là nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, tạo thói quen sử dụng phương tiện VTHKCC cho người dân Thủ đô. Cùng với đó cần tập trung, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực GTVT", Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung phân tích.
Theo Thạc sĩ Chung, đây là nhóm giải pháp tích cực nhằm răn đe các hành vi vi phạm và nâng cao ý thức người tham gia giao thông cũng như các cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải đường bộ. Đặc biệt cần chú trọng trang bị phương tiện công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại cho lực lượng CSGT, thanh tra GTVT để gia tăng hiệu quả xử phạt.
"Nhóm giải pháp quản lý nhu cầu giao thông cũng là một biện pháp "mềm" rất quan trọng, là giải pháp cốt lõi, cấp thiết và lâu dài cho tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội", Thạc sĩ Chung nói.
Cần người dân cùng đồng hành
Ông Lê Kim Thành, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, để giảm tải ùn tắc, trước mắt cần giáo dục và truyền thông văn hóa giao thông; khuyến khích người dân kiên nhẫn chấp hành pháp luật giao thông ngay cả khi xảy ra ùn tắc. Cùng đó, tổ chức, điều tiết giao thông hợp lý bằng chu kỳ đèn, linh hoạt từ các lực lượng chức năng đến các giải pháp công nghệ tại những nơi đã có.
Mặt khác, khuyến khích người dân có hành trình cố định hàng ngày sử dụng phương tiện công cộng. Đồng thời, vẫn cần phải tăng cường giám sát và xử phạt, trong đó, phạt nặng, xử nghiêm các hành vi chen lấn, đi sai làn đường, phần đường hoặc cố tình vi phạm quy định làm cho ùn tắc càng ùn tắc thêm.
Người dân tham gia giao thông.
Theo ông Thành, song song với phát triển giao thông công cộng, tăng cường xe buýt, phát triển hệ thống metro và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng thay vì xe cá nhân. Mặt khác, tiến hành phân luồng phương tiện hợp lý, có thể tách làn xe máy, ô tô riêng để giảm xung đột giao thông. Cùng đó, quản lý phương tiện giao thông, bằng cách hạn chế phương tiện cá nhân trong giờ cao điểm và thúc đẩy giao thông xanh.
Đối với hạn chế xe cá nhân, giải pháp này đã được đề cập nhiều lần, tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần cân nhắc áp dụng các chính sách như thu phí ô tô vào trung tâm hoặc cấp hạn ngạch xe cá nhân...
Theo ông Thành để giải quyết ùn tắc, ô nhiễm môi trường luôn đòi hỏi sự kết hợp giữa giải pháp ngắn hạn và chiến lược dài hạn, cùng với sự kiên trì từ cả phía chính quyền và sự đồng tình, ủng hộ từ người dân.
"Tôi cho rằng khi thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp ngắn và trung dài hạn trong năm 2025 và những năm tiếp theo, chúng ta có thể kỳ vọng vào một hệ thống giao thông nói chung, giao thông đô thị nói riêng hiện đại hơn, ít ùn tắc hơn và thân thiện với môi trường hơn.
Các cơ quan chức năng cần tiếp tục cải thiện hạ tầng giao thông, phát triển theo hướng xanh giảm thiểu ô nhiễm, tăng cường giáo dục để người dân hiểu rõ lợi ích của việc tuân thủ pháp luật.
Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần chủ động điều chỉnh hành vi, chấp hành nghiêm túc pháp luật để bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng. Chỉ có cùng nhau mới là chìa khóa để xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh và thông thoáng hơn", ông Thanh nhấn mạnh.
Lê Khánh