Từ đó đến 1927, có nhiều khóa học diễn ra tại số nhà 13 và 13/1 đường Văn Minh, Quảng Châu (nay là 248 và 250 đường Văn Minh), đào tạo nhiều thanh niên yêu nước từ trong nước sang làm lực lượng nòng cốt cho công tác tổ chức và tuyên truyền cách mạng.
Minh họa cảnh Nguyễn Ái Quốc đào tạo cán bộ cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu (1925 -1927).
Ba vấn đề chính được nghiên cứu là: “Nhân loại tiến hóa sử”; “Lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc”; “Lịch sử phong trào công nhân quốc tế”. Nội dung chương trình học gắn với những hoạt động thực tiễn như vận động tổ chức công hội, nông hội, công tác hoạt động bí mật, tuyên truyền, v.v…Trong bối cảnh ấy Nguyễn Ái Quốc viết truyện ngắn “Con rùa” bằng tiếng Pháp, in trên Báo Le Paria (Người cùng khổ) số 32 tháng 2 và 3 năm 1925, sau này in trong “Hồ Chí Minh toàn tập”, 2002, tập 2, trang 143.
Truyện chỉ khoảng 800 chữ có cốt truyện: Viên quan sứ hung hãn đã từng chặt 75 cái đầu hào mục xứ Bắc Kỳ, có trát đòi ông Xã - lý trưởng làng Lalo lên hầu. Quá lo lắng và sợ hãi, vợ chồng ông Xã bàn cách mang một con rùa đặt vào cái khay thuê của chính nàng hầu quan sứ, làm quà biếu quan. Khốn khổ, trong lúc ông thưa bẩm thì con rùa thừa cơ bò mất, để trơ ra cái khay. Ngài quan sứ khoan khoái kêu lên: “Ô cái khay đẹp quá thôi! Để ta phải gửi lên biếu quan Toàn quyền mới được!...”.
Đây là một truyện ngắn, ngắn nhất của Nguyễn Ái Quốc.
Đã có nhiều cách hiểu về truyện này. Dưới góc độ xã hội học, có người hiểu truyện tố cáo tên công sứ “tham của đút, ăn chó cả lông”. Đáng lẽ ông Xã chỉ mất con rùa, lại mất thêm cả cái khay bạc. Có nhà nghiên cứu phân tích nhân vật con rùa, coi đó là cái đầu mối của truyện: “Cái con rùa rất nhộn ấy cũng tham gia vào cuộc đấu trí. Con rùa ranh mãnh láu lỉnh ấy chuồn mất để lại cái khay côi cút… Truyện khẳng định sức mạnh của người nông dân thông minh trước bọn thực dân ngu xuẩn”.
Có người cho rằng: “Tên công sứ đã tự vạch trần bộ mặt thật của mình và toàn bộ cái cơ cấu của chế độ thống trị thối nát trong tệ tham nhũng. Tác giả đánh thẳng, đánh trúng vào bộ máy cai trị của chế độ thực dân. Qua truyện ngắn này rõ ràng những người dân nghèo bản xứ nghèo khổ đã thắng cuộc trong cuộc đấu trí với bọn thực dân xâm lược”. Lại có tác giả khác khẳng định truyện có chủ đề chống nạn hối lộ, nạn biếu xén, đút lót đã ngang nhiên diễn ra từ cấp thấp, làng xã, đến cấp cao nhất, công sứ và toàn quyền Đông Dương…
Hầu hết các ý kiến đều nhìn nhận tác phẩm dưới góc độ nội dung phê phán viên quan sứ - đại diện cho chế độ thực dân; ca ngợi trí thông minh của nhân vật ông Xã - đại diện cho nhân dân lao động. Soi chiếu hoàn cảnh, nội dung chương trình lớp học mà Nguyễn Ái Quốc mở và trực tiếp dạy, xin đưa ra một cách hiểu khác.
Trên văn bản chúng tôi không tìm thấy chi tiết nào đủ chứng minh nhân vật ông Xã thông minh để có khả năng “đấu trí” với viên quan sứ cả, chỉ thấy những chi tiết biểu hiện sự băn khoăn, lo lắng, bối rối, sợ hãi của nhân vật ông Xã (xin phép in nghiêng những chỗ nhấn mạnh): “Xem lướt xong lệnh của quan trên, ông Xã gật đầu gãi tai. Ông có vẻ quýnh lắm”.
Đây là chi tiết nói lên sự bối rối của ông khi nói với vợ: “Thế nhưng nhà mình có gì coi được: gà, thỏ, vịt, gà tây, thì đã bán sạch để nộp thuế rồi còn đâu! Lấy gì dâng quan bây giờ?”.
Và sự run sợ của bà vợ ông Xã: “… bà biết rằng ông quan da trắng này dữ tợn lắm, và bà run sợ sẵn khi nghĩ trước cảnh tượng chồng bà sẽ được tiếp đón như thế nào nếu không mang gì đến đấm cái mõm công sứ”. Còn ông Xã thì sợ hãi đến mức không thể nói hết một câu với quan sứ: “Lạy quan lớn, ông vừa thưa vừa quay lại phía chiếu, dám xin quan lớn nhận cho, của mọn thôi ạ! Cái món qu… qu…”.
Ông sợ hãi như thế là đúng với lô gích tâm lý nhân vật khi kẻ đối thoại với ông là một hung thần “đã từng chặt 75 cái đầu hào mục xứ Bắc Kỳ”. Bản thân ông cũng là một hào mục, biết đâu, cái đầu của ông sẽ là cái đầu thứ 76! Càng sợ hãi hơn khi ông phát hiện món quà ông “dâng” đã “chuồn mất”. Đơn giản nó chỉ là một con rùa không quen nằm ngồi trong đĩa nên có cơ hội là bò đi.
Truyện tiêu biểu cho một truyện cười.
Truyện cười bao giờ cũng phải có tình huống gây cười, ở đây là tình huống hiểu lầm: biếu rùa nhưng rùa bò đi mất để viên công sứ hiểu lầm là biếu khay. Tiếng cười hướng đến cả hai đối tượng đáng cười: ông Xã và viên công sứ. Cười ông Xã vì ông này định biếu rùa nhưng lại mất cả rùa lẫn khay. Tiếng cười hướng đến ông Xã nhẹ nhàng hơn nhiều tiếng cười phê phán đả kích như làn roi quất hướng vào tên công sứ.
Căn nhà số 13 (nay là 248 – 250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc.
Lớp ý nghĩa thứ nhất của truyện là tác giả giễu cái trò biếu xén, nhất là trong xã hội đầy bất công thì cái trò này càng làm cho cả hai phía, người biếu và kẻ được biếu đều đáng cười. Nhìn vào tình huống truyện, giả sử quà vẫn còn, mà quan sứ nhận cả quà cả khay thì yếu tố hiểu lầm không còn, tính bất ngờ của truyện giảm đi, do vậy tính cách tham lam vốn là thuộc tính của quan không bộc lộ rõ, bộc lộ hết. Nhìn từ góc độ này, nhân vật con rùa chỉ là một thứ đạo cụ được tác giả sử dụng để tạo ra một tình huống gây cười oái oăm chứ không thể coi đó là một “con rùa láu lỉnh”, “thông minh” được.
Nhân vật truyện cười thường tiêu biểu cho một nét tính cách nào đó qua hành động. Hai nhân vật quan sứ và ông Xã là điển hình: ông Xã thì quen nô lệ, sợ hãi, nhu nhược…; viên quan thì đã ổn định với tâm lý ăn của đút, nên ông ta nhìn cái gì cũng đều thấy đó là của đút, “đút” cho mình và để “đút” cho người khác. Do vậy khi nhìn thấy cái khay ông đã “reo to lên” và nghĩ ngay đến chuyện “biếu” cho quan Toàn quyền. Chứ ông không thể nghĩ được cái khay kia đã đựng cái gì. Rõ ràng cả hai nhân vật đều là nô lệ của tính cách. Cả hai đều thảm hại như nhau, người thì thảm hại trong thân phận nô lệ, tính cách nô lệ; kẻ thì thảm hại trong tâm lý đút lót, tính cách ăn của đút, dâng của đút lót!
Lời văn gây cười của truyện thì thật đậm đà. Ở phép chơi chữ, trong bản phiên âm tiếng Pháp tên làng La Lo chính là phép chơi chữ kết hợp cả tiếng Pháp và tiếng Việt: La, tiếng Pháp có nghĩa: cái, chiếc, sự, cái nỗi… Lo (tiếng Việt) có nghĩa lo lắng. Tên làng là La Lo được hiểu là làng (của những) sự lo, nỗi lo…
Đúng 100 năm sau nhìn lại càng thấy tính hiện đại, thời sự của truyện. Tác phẩm là một vở hài kịch được viết dưới ánh sáng nguyên lý kịch cổ điển của Boalô: duy nhất hành động, duy nhất thời gian, duy nhất địa điểm, để toát ra một ý nghĩa phổ quát rộng rãi hơn nhiều một ý nghĩa phê phán: Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là phải thay đổi, thay đổi một cách triệt để xã hội thực dân, phải xây dựng một môi trường xã hội mới, xã hội không có kẻ bóc lột và người bị bóc lột, thì con người mới có thể rũ bỏ được thân phận, tính cách nô lệ thảm hại để con người trở về với giá trị đích thực con người!
Phải thay đổi hoàn cảnh xã hội (Bắc Kỳ) để không còn tình trạng con người bị lo sợ, run sợ trước cái ác. Một khi con người còn ở trong tình trạng run sợ, lo sợ thì sẽ không thể có khả năng tư duy, không đủ trí tuệ, như nhân vật ông Xã nọ, sợ đến mức thở không ra hơi, nói không ra câu nên mới lắp bắp như vậy! Đó cũng là con đường phấn đấu của Nguyễn Ái Quốc ngay từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước.
Như vậy đối tượng đọc của truyện không chỉ là các học viên của lớp học chính trị (đang và sẽ tiếp tục được tổ chức) mà cho tất cả, cho toàn thế giới. Vì lẽ này nên truyện được viết bằng tiếng Pháp - thứ tiếng phổ biến thời bấy giờ. Càng thấy rõ thêm quan niệm của Bác, văn học nghệ thuật là một thứ vũ khí sắc bén phục vụ chính trị, phục vụ cách mạng. Càng thấy sứ mệnh, công dụng lớn lao của văn học làm mềm mại, sâu sắc, tinh tế và cụ thể hóa đường lối, sách lược chính trị.
Nguyễn Thanh Tú