100 ngày hỗn loạn của ông Trump

100 ngày hỗn loạn của ông Trump
8 giờ trướcBài gốc
Chỉ trong vòng 100 ngày, Tổng thống Trump nhanh chóng tập trung quyền lực vào cơ quan hành pháp, cắt giảm hoặc loại bỏ nhiều bộ phận thuộc chính phủ liên bang.
Khởi đầu hỗn loạn
Ông rút Mỹ khỏi các liên minh quân sự - kinh tế hình thành từ sau Thế chiến II. Ông cũng đảo ngược các quy tắc thương mại quốc tế vốn được duy trì suốt hàng chục năm. Tuy nhiên, tính "hệ trọng" của những hành động này không đồng nghĩa với thành công dài hạn, nhất là khi tỉ lệ ủng hộ ông đang trên đà sụt giảm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Theo truyền thống, bất kỳ Tổng thống nào cũng đều trải qua một "tuần trăng mật" chính trị ngay sau khi đắc cử – thời kỳ mà người dân có xu hướng kỳ vọng và tin tưởng vào lãnh đạo mới. Nhưng thực tế thường thấy, đến tháng 9 đầu tiên của nhiệm kỳ, khi các chính sách bắt đầu tác động rõ rệt tới đời sống người dân, tỷ lệ ủng hộ các Tổng thống thường giảm mạnh.
Các cựu Tổng thống từ những năm 1990 như Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama hay chính ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên đều chứng kiến sự sụt giảm trung bình từ 5 đến 15 điểm phần trăm trong tỉ lệ ủng hộ.
Tỷ lệ ủng hộ của các Tổng thống Mỹ sau 100 ngày đầu nhiệm kỳ (Ảnh: NY Times)
Riêng ông Joe Biden, dù khởi đầu với tỷ lệ ủng hộ khá cao (57%), cũng chứng kiến mức giảm mạnh xuống 43% chỉ trong vài tháng – phần lớn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc rút quân thất bại khỏi Afghanistan và lạm phát gia tăng. Cuối cùng, ông phải rút khỏi cuộc đua Tổng thống chỉ hơn 100 ngày trước Ngày bầu cử.
Tổng thống Trump lần này nhiều khả năng sẽ không thoát khỏi quy luật ấy, thậm chí còn có nguy cơ sụp đổ nhanh hơn vì nhiều yếu tố cộng hưởng – từ sai lầm trong cách quản lý, khủng hoảng kinh tế cho đến cơ cấu chính trị nội bộ.
Tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Trump (Ảnh: NY Times)
Sự lầm tưởng về quyền lực tuyệt đối
Một trong những sai lầm quan trọng nhất ông mắc phải là việc hiểu sai “sứ mệnh cử tri” – tức sự đồng thuận chính trị mà ông nghĩ mình nhận được. Dù là ứng viên Cộng hòa đầu tiên trong hai thập kỷ giành được phiếu phổ thông, ông chỉ đạt được dưới 50% tổng số phiếu và thắng sít sao trong cuộc đua với bà Kamala Harris.
Chiến thắng này phần lớn đến từ việc cử tri Dân chủ không mặn mà với bà Harris hơn là sự ủng hộ thực sự đối với ông Trump.
Sự nhầm lẫn này càng trở nên nghiêm trọng khi ông bước vào nhiệm kỳ với quyền kiểm soát trọn vẹn Quốc hội – điều dẫn đến sự chủ quan và cực đoan trong hoạch định chính sách. Trong năm trường hợp Tổng thống gần nhất có thế đa số tại lưỡng viện Quốc hội vào đầu nhiệm kỳ, không một ai duy trì được lợi thế này quá hai năm – đa số đều để mất ít nhất một viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, điều làm cho tình hình hiện tại trở nên rối ren là việc Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát đã không còn giữ vai trò quan trọng với Nhà Trắng, mà gần như phó mặc hoàn toàn quyền lực cho Tổng thống. Điều này khiến ông Trump đưa ra các bổ nhiệm gây tranh cãi, theo đuổi các chính sách cực đoan mà không có kiểm soát.
Đáng lo ngại hơn, ông Trump tiếp tục mắc phải sai lầm điển hình của các Tổng thống mới, đó là không phân biệt được quá trình vận động tranh cử và việc điều hành quốc gia thực tế. Những khẩu hiệu mạnh mẽ trên sân khấu chính trị khó có thể thay thế cho việc thực thi chính sách cụ thể, hiệu quả. Trong nhiệm kỳ này, nhiều sáng kiến như cải cách nhập cư, áp đặt thuế quan hay việc thành lập "Bộ Hiệu quả Chính phủ" đều bị triển khai một cách vội vàng dẫn đến sự hỗn loạn và mất phương hướng trong nội bộ chính phủ. Kết quả là môi trường chính trị – kinh tế trở nên bất ổn, khiến doanh nghiệp không thể đưa ra quyết định đầu tư chiến lược.
Nguy cơ đánh mất lòng tin cử tri trung lập
Tác động tiêu cực của các chính sách này không chỉ được phản ánh qua các con số thống kê mà còn thể hiện rõ qua ý kiến dư luận. Một cuộc khảo sát của NBC News cho thấy có đến 45% người dân Mỹ có quan điểm “rất tiêu cực” về ông Trump, trong khi chỉ 36% “rất tích cực”.
Tuy nhiên, điều quan trọng là nhóm 19% còn lại – những cử tri trung lập – mới là nhóm quyết định tương lai chính trị của ông. Họ không thực sự yêu thích ông Trump, nhưng có phần đồng thuận với một số chính sách. Chính hiệu quả thực tế của việc điều hành đất nước sẽ quyết định họ có tiếp tục ủng hộ hay quay lưng với ông.
Điều đáng lo ngại nhất đối với ông Trump là các chỉ số liên quan đến kinh tế – yếu tố then chốt trong đánh giá năng lực điều hành của bất kỳ tổng thống nào. Theo khảo sát của CNBC, có tới 55% người dân không hài lòng với cách ông quản lý nền kinh tế – lần đầu tiên ông có chỉ số tín nhiệm âm về kinh tế trong toàn bộ sự nghiệp chính trị của mình.
Đặc biệt, các cử tri độc lập – nhóm cử tri “chiến trường” – đánh giá rất thấp cách xử lý lạm phát của ông, với mức tín nhiệm âm lên tới 51 điểm phần trăm. Đây là trước khi người dân cảm nhận được đầy đủ tác động của các chính sách thuế quan mới – vốn chắc chắn sẽ làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến các quỹ hưu trí cá nhân.
Ngoài ra, ông Trump còn đối mặt với phản ứng từ việc cắt giảm các dịch vụ công thiết yếu. Tính đến năm 2020, có gần 2.000 quận tại Mỹ mà trên 25% thu nhập của cư dân đến từ các chương trình hỗ trợ chính phủ như Medicare, Medicaid và An sinh xã hội. Con số này tăng gấp sáu lần so với năm 2000.
Đáng chú ý, phần lớn các quận này là khu vực từng ủng hộ đảng Cộng hòa. Khi các chương trình bị cắt giảm, người dân có thể sẽ nhận thức được vai trò không thể thay thế của chính phủ – điều có thể dẫn đến phản ứng dữ dội, nhất là khi họ từng tin rằng "cắt giảm phúc lợi là tốt".
Cuối cùng, dù ông Trump hứa sẽ chấm dứt lạm phát, giảm giá sinh hoạt và đưa nước Mỹ bước vào “kỷ nguyên hoàng kim”, thì thực tế là không ai – kể cả ông – có thể tránh được việc bị người dân đánh giá khi nhiệm kỳ bước qua tháng thứ tám. Đến tháng thứ 9, không còn ai có thể đổ lỗi cho ông Biden. Tổng thống Trump hoàn toàn chịu trách nhiệm với tình hình quốc gia, dù tốt hay xấu.
NYT nhận định, nếu ông Trump không thay đổi cách thức điều hành và điều chỉnh các chính sách kinh tế - xã hội để phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, ông có nguy cơ đối mặt với một trong những nhiệm kỳ bị đánh giá tiêu cực nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ.
Quỳnh Anh (Nguồn: NY Times)
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/100-ngay-hon-loan-cua-ong-trump-ar939149.html