100 ngày ông Donald Trump làm Tổng thống: Ngã ba đường của kinh tế Mỹ

100 ngày ông Donald Trump làm Tổng thống: Ngã ba đường của kinh tế Mỹ
8 giờ trướcBài gốc
100 ngày đầy biến động
Trong phiên giao dịch ngày 28/4, hai ngày trước khi ông Donald Trump giữ cương vị Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 tròn 100 ngày, thị trường chứng khoán Mỹ tăng khá mạnh. Chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 ghi nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp. Các chỉ số chứng khoán khác cũng tích cực.
Chứng khoán Mỹ tăng trở lại sau khi lao dốc liên tiếp trước đó, mất khoảng 10% và là mức giảm tệ nhất trong khoảng 100 ngày đầu của bất kỳ chính quyền nào từng được ghi nhận. Cổ phiếu Mỹ hồi phục khi nhiều tập đoàn công nghệ lớn báo cáo lợi nhuận tích cực và các nhà đầu tư chờ đợi sự tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và các nước, trong đó có Trung Quốc.
Cũng trong 100 ngày đầu, các thị trường tài chính, hàng hóa tại Mỹ và trên thế giới biến động rất mạnh. Đồng USD xuống mức thấp nhất trong 3 năm, giá vàng liên tiếp lập kỷ lục mọi thời đại, có lúc lên 3.500 USD/ounce (tương đương 111 triệu đồng/lượng) hôm 22/4.
Giá vàng trong khoảng 2 tuần cuối tháng 4 biến động rất mạnh, liên tiếp lập kỷ lục lịch sử và cũng có nhiều phiên điều chỉnh giảm sâu. Dòng tiền đổ mạnh vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc leo thang.
Một điểm đáng chú ý là đồng USD mất gần 9% so với các đồng tiền chủ chốt khác, với chỉ số DXY từ khoảng 110 điểm hồi giữa tháng 1 xuống mức 99 điểm. Diễn biến này làm lung lay vị thế tài sản an toàn của đồng tiền này khi nhà đầu tư nghi ngờ ổn định của hệ thống tài chính Mỹ. Giá dầu cũng giảm mạnh do lo ngại kinh tế Mỹ và thế giới suy yếu.
Chính sách thuế quan của ông Trump, với mức 145% áp dụng đối với hàng nhập từ Trung Quốc và hàng chục phần trăm được tính toán áp lên nhiều nước khác, trong đó có Canada và Mexico… có dấu hiệu làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà sản xuất Mỹ đối mặt với chi phí nguyên liệu tăng, như Ford gặp khó do thuế thép và nhôm.
CEO Ford, Jim Farley thừa nhận mục tiêu của ông Trump là củng cố ngành công nghiệp ô tô Mỹ, nhưng ông nhấn mạnh rằng chính sách thuế hiện tại mang lại “nhiều chi phí và sự hỗn loạn” hơn là lợi ích.
Theo Tax Foundation, chính sách tăng thuế nhập khẩu mang nguồn thu về cho ngân sách Mỹ nhưng làm tăng giá tiêu dùng, đặc biệt là điện tử và may mặc.
Dù vậy, nỗ lực đưa sản xuất về nước của ông Trump cũng có nhiều tiến triển. Đạo luật CHIPS thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn. Intel mở rộng nhà máy tại Mỹ. Apple có kế hoạch hợp tác với Foxconn để xây dựng một cơ sở lắp ráp các máy chủ phục vụ cho các trung tâm dữ liệu của Apple Intelligence tại Houston. Một số hãng dược phẩm, ô tô… của châu Âu đẩy mạnh đầu tư tại Mỹ…
Nhiều người nghi ngờ các chính sách của ông Donald Trump trong 100 ngày đầu nắm quyền nhiệm kỳ 2. Ảnh: CNBC
Tác động tiềm tàng và triển vọng kinh tế
Có thể thấy, kể từ khi nhậm chức ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc đẩy chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” với thuế quan cao đối với hàng nhập khẩu, giảm thuế trong nước, thắt chặt nhập cư và cắt giảm nhân sự liên bang…
Chính sách siết nhập cư của chính quyền ông Trump, tập trung vào kiểm soát biên giới, xây dựng tường ngăn với Mexico, trục xuất người nhập cư bất hợp pháp và hạn chế nhập cư hợp pháp… đã thu hẹp nguồn lao động trong các ngành như xây dựng và nông nghiệp. Goldman Sachs cho rằng điều này có thể tăng lương, nhưng các ngành phụ thuộc lao động nhập cư gặp khó khăn trong tuyển dụng.
Còn về chính sách thuế quan của Trump hiện khó đoán định. Nhà Trắng đang áp mức thuế 145% lên hàng hóa Trung Quốc (từ 10/4), trong khi đó Bắc Kinh áp thuế 125% lên hàng Mỹ. Trước đó, ông Trump đe dọa áp thuế 245% với hàng Trung Quốc, nhưng sau đó nói về khả năng “giảm mạnh thuế với hàng Trung Quốc” nếu Bắc Kinh mở cửa thị trường…
Với những căng thẳng gần đây, mức thuế cao giữa Mỹ và Trung Quốc có thể vẫn được duy trì, thậm chí có thể cao hơn nữa. Nếu điều này xảy ra, kinh tế Mỹ có thể rơi vào tình trạng đình trệ - lạm phát cao kết hợp với tăng trưởng chậm.
Ở chiều ngược lại, một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có thể giúp ổn định các thị trường tài chính, hàng hóa… trong ngắn hạn. Trước mắt, kinh tế Mỹ sẽ bớt rủi ro suy thoái. Dù vậy, gần đây, chính quyền Bắc Kinh tỏ ra cứng rắn và phủ nhận về một cuộc điện đàm cấp cao giữa 2 bên.
Trên thực tế, Mỹ đối mặt với lạm phát dai dẳng trong nhiều năm qua, chưa về mức mục tiêu 2% như kỳ vọng của Fed. Với những diễn biến chính sách mới, nhiều khả năng giá cả tiêu dùng sẽ tăng trở lại.
Bên cạnh đó, chính sách giảm thuế trong nước và kế hoạch chi tiêu của chính quyền ông Trump sẽ tiếp tục đẩy nợ công Mỹ lên cao, vốn đã vượt ngưỡng 36 nghìn tỷ USD.
Trước đó, theo dự báo từ các chuyên gia được Nikkei Asia đưa ra, các chính sách thuế quan của chính quyền ông Donald Trump có thể làm GDP Mỹ giảm 1,1% vào năm 2027.
Với tình hình hiện tại, nền kinh tế Mỹ dường như đang ở ngã ba đường. Nhiều người lạc quan tin rằng, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng. Các tập đoàn lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tại Mỹ sẽ tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tăng cao. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ ngày càng được đề cập nhiều hơn khi mà các chính sách đang gây ra sự hỗn loạn trên nhiều thị trường.
Về dài hạn, việc đưa sản xuất về nước có thể củng cố ngành công nghiệp của Mỹ, nhưng ngắn hạn có lẽ sẽ “đau đớn”. Giá cả hàng hóa leo thang, thị trường biến động. Việc ông Trump đối phó như thế nào với áp lực trong nước khi các thị trường chao đảo, hay ông Trump sẽ cân bằng như thế nào giữa bảo hộ nền sản xuất trong nước với hợp tác toàn cầu… sẽ quyết định đến triển vọng nền kinh tế số 1 thế giới.
Các chỉ số vĩ mô cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ và có quy mô lớn nhất thế giới, nhưng sự cạnh tranh đang ngày càng lớn. Việc duy trì sự ổn định trong ngắn hạn nhưng vẫn đảm bảo được triển vọng dài hạn có lẽ là bài toán khó khăn đối với ông Donald Trump.
Mạnh Hà
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/100-ngay-ong-donald-trump-lam-tong-thong-nga-ba-duong-cua-kinh-te-my-2396546.html