100 trường đại học, cao đẳng xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM

100 trường đại học, cao đẳng xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM
một ngày trướcBài gốc
Ngày 10-2, Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM đã công bố danh sách các cơ sở đào tạo đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2025 để xét tuyển đầu vào.
Theo danh sách này, có 8 trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, 83 trường ĐH ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM và 9 trường cao đẳng (CĐ). Số liệu này sẽ có thể còn thay đổi trong thời gian tới khi các trường có kế hoạch tuyển sinh chính thức.
Danh sách các đơn vị sử dụng xét tuyển như sau:
Như PLO đã thông tin, năm 2025 là năm thứ 8 ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và đây cũng là kỳ thi tuyển sinh riêng có quy mô lớn nhất cả nước, kết quả nhằm sử dụng kết quả để tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ.
Thí sinh dự thi chủ yếu là học sinh đang theo học lớp 12 tại các trường THPT hoặc những thí sinh muốn sử dụng kết quả thi để làm một phương thức xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ.
Theo kế hoạch của ĐH Quốc gia TP.HCM, năm 2025, ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục tổ chức thi đánh giá năng lực với 2 đợt thi.
Trong đó, ở đợt 1, thí sinh bắt đầu đăng ký thi từ ngày 20-1-2025 đến ngày 20-2-2025.
Kỳ thi đợt 1 sẽ diễn ra vào ngày 30-3 và được tổ chức tại 25 tỉnh/thành phố: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Bình Phước, Thừa Thiên Huế và Tây Ninh.
ĐH Quốc gia TP.HCM cũng thông tin, đề thi đánh giá năng lực vẫn gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan. Thời gian làm bài trên giấy 150 phút. Thang điểm tối đa là 1.200, điểm từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó.
Điểm mới của kỳ thi năm 2025 là đề thi sẽ được điều chỉnh phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn giữ cấu trúc phần sử dụng ngôn ngữ và toán học, nhưng tăng số lượng câu hỏi để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi.
Còn phần logic - phân tích số liệu và giải quyết vấn đề được cấu trúc lại thành phần tư duy khoa học. Việc này nhằm đánh giá năng lực thí sinh về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế.
Các câu hỏi trong phần tư duy khoa học được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, hoạch định thí nghiệm, kết quả thực nghiệm. Thông qua đó, phần thi yêu cầu thí sinh thể hiện khả năng hiểu và vận dụng thông tin, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật.
PHẠM ANH
Nguồn PLO : https://plo.vn/100-truong-dai-hoc-cao-dang-xet-tuyen-diem-thi-danh-gia-nang-luc-dhqg-tphcm-post833567.html