Ngày 7-7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực họp phiên thứ 28 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tô Lâm, trưởng Ban Chỉ đạo.
Tại buổi thông báo, Phó Trưởng Ban Nội chính trung ương Đặng Văn Dũng đã thông báo kết quả, nội dung cơ bản của Phiên họp thứ 28.
Ông Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, thông tin về kết quả 6 tháng đầu 2025. Ảnh: XUÂN NGUYỄN
Hơn 300 nghị định, nghị quyết và chỉ thị được sửa đổi
Theo ông Đặng Văn Dũng, trong nửa đầu năm 2025, cả hệ thống chính trị đã đồng thời triển khai nhiều nhiệm vụ lớn, quan trọng và cấp bách như sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn được thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả.
Một trong những điểm nổi bật là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được tập trung cao độ. Trong sáu tháng đầu năm, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 100 văn bản về xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, thông qua 38 luật và ban hành 45 nghị quyết. Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 nghị định, nghị quyết và chỉ thị. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã ban hành hơn 3.277 văn bản nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đặc biệt, Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí đến năm 2035 và hướng dẫn một số nội dung trọng tâm về phòng, chống lãng phí đã được ban hành, tạo khung pháp lý quan trọng và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án có nguy cơ thất thoát.
Cùng với đó, công tác phòng, chống lãng phí được triển khai mạnh mẽ, gắn với việc tháo gỡ các nút thắt, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xử lý các dự án chậm tiến độ, hiệu quả thấp, tồn đọng kéo dài.
Đáng chú ý là việc chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc tại Dự án giải quyết ngập do triều tại TP.HCM, các dự án điện tái tạo đã xây dựng nhưng chưa kết nối vận hành, dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cùng tám dự án có nguy cơ thất thoát lớn theo chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo.
Kỷ luật 230 tổ chức đảng nửa đầu năm 2025
Cũng theo ông Dũng, từ đầu năm đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 230 tổ chức đảng, 7.235 đảng viên. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật 11 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Ngành thanh tra, kiểm toán đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra tại các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo.
Qua đó, đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 9.533 tỉ đồng và 617 ha đất; xử lý hành chính 381 tập thể và 1.083 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 28 vụ có dấu hiệu tội phạm.
Đáng chú ý, chỉ trong chưa đầy ba tháng, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành việc thanh tra, đề xuất xử lý hàng loạt sai phạm tại hai dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức.
Các cơ quan tố tụng trên cả nước đã khởi tố mới 1.776 vụ án với 4.038 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Riêng các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã có 7 vụ án với 127 bị can kết luận điều tra; 5 vụ với 87 bị can được truy tố; 7 vụ với 94 bị cáo đã được xét xử sơ thẩm; 9 vụ với 221 bị cáo được đưa ra xét xử phúc thẩm.
Nhiều vụ án mới cũng được mở rộng điều tra, trong đó có vụ xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và Tập đoàn Phúc Sơn.
Đẩy mạnh thu hồi tài sản trong các vụ án
Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa tiếp tục được triển khai đồng bộ, gắn với quá trình sắp xếp lại bộ máy, đơn vị hành chính, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng khoa học công nghệ.
Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia được đẩy nhanh, đảm bảo sự kết nối giữa các bộ, ngành, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát và phục vụ người dân. Chủ trương “giám sát trên dữ liệu, kiểm tra trên dữ liệu” được triển khai rộng rãi nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong hoạt động công vụ.
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực. Riêng các vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, trong giai đoạn điều tra đã thu giữ, kê biên, phong tỏa tài sản trị giá hơn 313 tỉ đồng.
Trong quá trình xét xử, nhiều bị cáo và gia đình đã tự nguyện nộp lại hàng nghìn tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Giai đoạn thi hành án dân sự đã thu hồi gần 7.000 tỉ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay lên hơn 103.854 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 51,57%.
Phó Trưởng Ban nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cũng cho hay công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các địa phương cũng có những chuyển biến tích cực.
Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã theo dõi, chỉ đạo 53 vụ án, vụ việc; xử lý kỷ luật 43 người đứng đầu do để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 21 người bị xử lý hình sự; khởi tố mới 416 vụ án với 1.207 bị can, nhiều trường hợp là cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý.
XUÂN NGUYỄN