Hội nghị có sự tham gia của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước.
Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo, đến cuối năm 2024, một số mục tiêu trong Quyết Định số 360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được hoàn thành. Tính đến ngày 15/12/2024, có 117 trong tổng số 667 doanh nghiệp được phê duyệt đề án tái cơ cấu, chiếm 17% về số lượng.
Sau khi thực hiện sắp xếp và cơ cấu lại, doanh nghiệp nhà nước đã tập trung vào các ngành, lĩnh vực quan trọng mà nhà nước cần giữ vai trò chi phối. Các tập đoàn và tổng công ty quy mô lớn đã đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh, và đầu tư phát triển như kế hoạch được giao.
Hiện tại, doanh nghiệp đang dốc toàn lực cho các hoạt động rà soát và đổi mới trong các lĩnh vực quản trị, tài chính, nhân sự. Song song đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã giúp nâng cao hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh.
Liên quan đến các dự án tồn đọng, báo cáo nhấn mạnh rằng 12/12 dự án và doanh nghiệp yếu kém trong ngành Công Thương đã được báo cáo lên Bộ Chính trị xin chủ trương xử lý. Hiện tại, các bên liên quan đang quyết liệt triển khai xử lý dứt điểm theo chỉ đạo, trong đó 4 dự án Đạm đã báo lãi và trả nợ đúng hạn.
Riêng năm 2024, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị về việc xử lý 4 dự án yếu kém nhất còn lại: Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất và Thép Việt Trung. Những đối mới này đóng góp đáng kể vào thành tích phát triển kinh tế - xã hội trong năm qua.
Ngoài ra, báo cáo của Ban Chỉ đạo còn cung cấp thông tin chi tiết về kết quả sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước theo các quyết định số 22, 1479, và 184. Báo cáo cũng đề cập đến nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn, và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo phục hồi nhanh và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Nhị Hà