Kỳ thi này là một trong những phương thức tuyển sinh được nhiều trường áp dụng để đa dạng hóa đầu vào và giảm áp lực thi cử cho học sinh.
Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực tăng đáng kể so với năm trước, cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn đối với phương thức xét tuyển này. Theo thống kê, hơn 130.000 thí sinh đã đăng ký, trong đó chủ yếu là học sinh lớp 12 mong muốn gia tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học hàng đầu.
Tại TP.HCM, có 35 địa điểm thi, nhiều nhất trong số các địa phương. Các tỉnh, thành khác như Đà Nẵng có 7 địa điểm thi, Khánh Hòa có 8 địa điểm thi, Bình Định có 6 địa điểm thi.
Thí sinh tại điểm thi Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Dân Trí
Kỳ thi đánh giá năng lực được thiết kế nhằm kiểm tra tư duy logic, khả năng giải quyết vấn đề, kiến thức tổng hợp của thí sinh thay vì chỉ tập trung vào học thuộc lòng. Đề thi năm 2025 tiếp tục bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với nhiều lựa chọn, thời gian làm bài kéo dài 150 phút và được tổ chức trên giấy. Kết quả được xác định theo phương pháp trắc nghiệm hiện đại dựa trên lý thuyết ứng đáp câu hỏi, với thang điểm tối đa là 1.200 điểm.
Phương thức xét tuyển bằng đánh giá năng lực giúp thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn mà không phụ thuộc hoàn toàn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, việc tổ chức thi sớm giúp giảm áp lực cho thí sinh và các trường có thể sàng lọc được những ứng viên phù hợp với chương trình đào tạo của mình.
Nhiều trường đại học lớn như Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân và nhiều trường khác đã sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Đặc biệt, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM hiện là kỳ thi xét tuyển đại học có quy mô lớn nhất cả nước, cả về số lượng thí sinh dự thi lẫn số trường sử dụng kết quả để tuyển sinh. Hiện nay, hơn 100 trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc đã chấp nhận kết quả kỳ thi này trong quá trình tuyển sinh.
Yến Nguyễn