Chuyên đề “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” trưng bày hơn 135 tư liệu, hình ảnh quý giá được lựa chọn kỹ lưỡng từ nhiều nguồn khác nhau. Triển lãm được chia thành 4 phần:
Sài Gòn - Gia Định những năm 1910: Gợi lại khoảnh khắc người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Bến Nhà Rồng lên đường tìm đường cứu nước.
Người đi tìm hình của nước: Khắc họa hành trình bôn ba qua nhiều châu lục để tìm ra con đường giải phóng dân tộc.
Miền Nam trong trái tim Người: Ghi lại sự quan tâm sâu sắc và tình cảm nồng nàn của Bác đối với đồng bào miền Nam trong kháng chiến.
TP Hồ Chí Minh sống mãi tên Người: Phản ánh sự lan tỏa tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong đời sống ngày nay.
Triển lãm thu hút đông đảo sự quan tâm của quần chúng nhân dân.
Không gian trưng bày được bố trí khoa học, kết hợp giữa hình ảnh tư liệu và hiện vật sinh động, tạo nên một hành trình cảm xúc cho người xem. Triển lãm cũng đồng thời được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, như một sự kết nối thiêng liêng Bắc-Nam.
Chuyên đề trưng bày gồm 4 phần, được bố trí khoa học, dễ theo dõi.
Bà Lương Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chuyên đề lần này không chỉ nhằm tưởng nhớ công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là dịp để nhân dân miền Nam thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc. Đây là một không gian giáo dục sinh động, truyền cảm hứng về lịch sử và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ”.
Các đại biểu tham gia cắt băng khai mạc triển lãm, chào mừng 135 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch.
Các chuyên đề sẽ được diễn ra từ ngày 14 đến 31/5/2025 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP Hồ Chí Minh (số 01 Nguyễn Tất Thành, Quận 4).
Bên cạnh hoạt động trưng bày, lễ tiếp nhận hiện vật diễn ra trong không khí trang trọng và xúc động. Mỗi hiện vật được trao tặng không chỉ mang giá trị vật chất mà còn chứa đựng cả trái tim, ký ức và lòng kính trọng của người dân, nghệ sĩ đối với Bác.
Đại diện tác giả trao tặng bảo tàng 10 cuốn sách viết về Bác bằng tiếng Pháp.
Một trong những hiện vật gây ấn tượng mạnh là bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hạt sen do họa sĩ Lê Mộc Oanh (Đồng Tháp) sáng tác. Bức tranh có kích thước 4,8m x 2,4m, nặng gần 100kg, sử dụng hơn 200.000 hạt sen được rang và nhuộm bằng màu tự nhiên.
“Tôi muốn truyền cảm hứng cho giới trẻ thông qua hình ảnh Bác Hồ gắn liền với hạt sen, một biểu tượng thuần khiết của văn hóa dân tộc”, họa sĩ Mộc Oanh bày tỏ.
Một trong 10 cuốn sách viết về Bác bằng tiếng Pháp được trao tặng trong dịp này.
Từ nước Pháp, ông Philippe Chaplain, nguyên Phó Thị trưởng thị trấn Bourg-la-Reine, nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh cũng trao tặng 10 cuốn sách tiếng Pháp quý hiếm do ông sưu tầm và biên soạn trong hơn 20 năm. Những cuốn sách là kết tinh của tình cảm, sự kính trọng ông dành cho Bác và mong muốn làm cầu nối văn hóa giữa hai dân tộc.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà cách mạng vĩ đại của Việt Nam, mà còn là biểu tượng của tự do, hòa bình đối với nhân dân yêu chuộng công lý trên toàn thế giới”, ông Philippe Chaplain nói.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên trao tặng bài hát "Yêu sao quà tháng Năm" cho bảo tàng.
Một hiện vật đặc biệt khác là bức tranh chân dung Bác Hồ dát vàng của ông Trần Công Dân, nguyên Bí thư Quận 7. Ông Dân chia sẻ, đó là tác phẩm ông ấp ủ từ lâu như một lời tri ân từ người con miền Nam từng sống và chiến đấu dưới ánh sáng tư tưởng của Người.
Bức tranh chân dung Bác Hồ dát vàng của ông Trần Công Dân, nguyên Bí thư Quận 7.
Đặc biệt, bản nhạc “Yêu sao quả tháng 5” do nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh sáng tác và trao tặng bảo tàng, là một điểm nhấn giàu cảm xúc. Giai điệu sâu lắng, ca từ mộc mạc của ca khúc viết riêng cho dịp sinh nhật Bác đã nhận được sự đồng cảm của nhiều khán giả.
“Tình cờ đúng 135 giờ tôi viết xong bài hát, như một cái duyên với cột mốc năm nay. Đã có rất nhiều nhạc sĩ viết về Bác, nhưng viết riêng cho sinh nhật Người thì không nhiều. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được góp thêm tiếng lòng mình và tôi sẽ còn sáng tác thêm nhiều tác phẩm về Bác nữa”, nhạc sĩ Hiên nói.
Nhiều người dân và công chúng TP Hồ Chí Minh quan tâm đến chủ đề triển lãm và các tác phẩm trưng bày dịp này.
Triển lãm “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” không chỉ là hoạt động văn hóa mang tính kỷ niệm mà còn là cuộc hội ngộ của tình yêu nước, của ký ức thiêng liêng được chuyển hóa thành nghệ thuật, thành sách, thành lời ca và hình ảnh. Từ những hiện vật được dâng tặng, một lần nữa tinh thần Hồ Chí Minh lại được khơi dậy gần gũi, xúc động và sống mãi trong lòng nhân dân.
Tin, ảnh: Hương Trần/Báo Tin tức và Dân tộc