Không chỉ da khô mới khiến da mặt bị bong tróc đóng vảy, đặc biệt là những người thường xuyên bị khô da vào mùa lạnh mà bị bong tróc da mặt cũng có thể do nhiều nguyên nhân sức khỏe khác.
Da mặt bị bong tróc được mô tả là cảm giác da mặt bị căng, thô ráp và khô ngứa khi sờ vào; quan sát thấy vùng da bị bong thành các lớp màng trắng hoặc vảy dày hơn, đôi khi có thể xuất hiện các đường nứt nẻ trên da nghiêm trọng hơn là chảy máu.
1. Da mặt bị bong tróc vảy thường xuyên do đâu?
Theo VeryWell Health, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến cho thấy bị bong tróc da mặt là bệnh gì mà bạn có thể tham khảo, những yếu tố này bao gồm tình trạng dị ứng, yếu tố môi trường và các vấn đề sức khỏe:
- Viêm da tiếp xúc ở mặt: Xảy ra khi da mặt tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng hoặc dị nguyên gây dị ứng (nước hoa, thuốc nhuộm hoặc mỹ phẩm) khiến da mặt bị bong tróc đóng vảy, các mảng da có màu đỏ sậm hơn bình thường, sưng nề hoặc ban ngứa ở mặt có thể kèm theo các nốt cục sần sùi, phồng rộp và rỉ dịch. Nghiêm trọng hơn, nếu gãi hoặc bóc vảy thường xuyên có thể gây bội nhiễm.
Viêm da tiếp xúc ở mặt xảy ra khi da mặt tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng hoặc dị nguyên gây dị ứng khiến da mặt bị bong tróc đóng vảy (Ảnh: ST)
- Viêm da cơ địa: Là một loại bệnh chàm khiến da mặt bị ban đỏ và ngứa ngáy nhẹ ở giai đoạn đầu. Sau đó cảm giác ngứa ngáy tăng lên từ âm ỉ tới ngứa nghiêm trọng kèm theo thô ráp và sự xuất hiện của các mụn li ti. Việc gãi vỡ các nốt này khiến da mặt bị bong tróc và đóng vảy.
- Hoại tử thượng bì nhiễm độc (Toxic epidermal necrolysis): Còn được gọi là ly thượng bì hoại tử nhiễm độc có thể đe dọa tới tính mạng với tỷ lệ tử vong cao. Tình trạng thường xảy ra do sự đáp ứng miễn dịch bất thường của cơ thể với thuốc chống co giật và thuốc kháng sinh nặng. Khiến tế bào thượng bì bị hoại tử và lan rộng, tách ra hoàn toàn với lớp trung bì. Trên lớp thượng bì xuất hiện các bọng nước kích thước lớn đối xứng ở mặt, khi vỡ ra tạo ra các vết trượt khiến da mặt bị bong tróc đau đớn.
- Phản ứng dị ứng với mỹ phẩm chăm sóc da mặt: Đôi khi mỹ phẩm chăm sóc da chứa các thành phần dị ứng như hương liệu tổng hợp, chất bảo quản paraben, chì, cồn, perfume, mineral oil, paraffin,... có thể dẫn tới phản ứng dị ứng như da ửng đỏ, nóng rát và châm chích kèm theo hiện tượng da mặt bị bong tróc, sần sùi khi sờ vào thậm chí là nổi các nốt mủ với tổn thương kéo dài.
Đôi khi mỹ phẩm chăm sóc da chứa các thành phần dị ứng khiến da mặt bị sưng đỏ kèm theo ngứa ngáy và bong tróc da (Ảnh: ST)
- Bệnh vẩy nến: Bệnh vẩy nến ở mặt cũng là một nguyên nhân khiến da mặt bong tróc vảy trắng dày hoặc óng ánh bạc kèm theo các mảng da đỏ, ngứa, nóng rát hoặc đau nhức khó chịu thậm chí gây nứt nẻ và chảy máu nếu cố tình bóc các mảng vẩy nến. Các phát ban do bệnh vẩy nến thường bùng phát theo chu kỳ khoảng vài tuần hoặc vài tháng rồi giảm dần và lặp lại.
- Viêm da tiết bã:Còn được gọi là viêm da dầu, chàm da mỡ. Viêm da tiết bã nhờn gây ra tình trạng da khô, bong tróc ở da đầu, mũi, trán, lông mày, nếp mũi má, mang tai và phần trước ngực. Các mảng sẩn có vảy thường rõ hơn ở vùng lưng ngực. Thông thường thì viêm da tiết bã không gây ngứa.
- Mụn trứng cá: Mặc dù da mặt bị bong tróc đóng vảy không phải là triệu chứng đặc trưng của tình trạng mụn trứng cá trên mặt nhưng các biện pháp điều trị mụn trứng cá như các thuốc bôi ngoài da như benzoyl peroxide, axit salicylic, retinol và thuốc kháng sinh có chế phẩm gốc cồn có thể khiến da mặt bị bong tróc.
- Cháy nắng ở mặt: Tình trạng phổ biến này là phản ứng của da khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời hoặc tia cực tím khác. Quá trình bong tróc da mặt bắt đầu sau vài ngày kể từ khi cháy nắng xuất hiện.
Hình ảnh mặt bị cháy nắng gây phồng rộp và bong tróc da (Ảnh: ST)
- Da khô nghiêm trọng (Xerosis cutis): Là tình trạng da khô bất thường, thường xuyên bị kích ứng với các mảng khô da lớn và đóng vảy gây đau ngứa, chảy máu. Các triệu chứng khô da không cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn, mặc dù đã sử dụng kem dưỡng ẩm tần suất liên tục. Da khô nghiêm trọng khiến người bệnh gặp khó khăn khi ngủ vào ban đêm do ngứa ngáy dữ dội hoặc các nốt mụn mủ đau đớn.
- Thiếu hụt vitamin và khoáng chất:Chẳng hạn như vitamin A, vitamin D, kẽm, sắt, niacin có thể khiến da mặt bị bong tróc và khô hơn.
- Tác dụng phụ của phương pháp xạ trị cho bệnh nhân ung thư: Vùng xạ trị có thể chuyển sang màu sẫm, khô và bong tróc.
- Suy giáp: Được hiểu là tình trạng hormon tuyến giáp không được sản xuất đủ với các triệu chứng suy giáp thường gặp bao gồm mệt mỏi, nhạy cảm hơn với nhiệt độ lạnh, táo bón, da khô hơn, tăng cân, sưng mặt, khàn giọng, đau cơ và cứng khớp, tóc rụng và khô, trầm cảm cùng các vấn đề về trí nhớ.
- Thay đổi thời tiết: Sự thay đổi thời tiết đột ngột hoặc khi thời tiết khắc nghiệt quá lạnh, độ ẩm quá khô hay nhiệt độ quá nóng đều có thể khiến da mất độ ẩm và dẫn tới ngứa bong tróc da mặt. Đặc biệt vào mùa lạnh, người có da mặt bị bong tróc vào mùa đông thường do da mặt bị kích ứng với không khí khô lạnh hoặc thói quen tắm nước nóng quá lâu.
Sự thay đổi thời tiết đột ngột hoặc khi thời tiết khắc nghiệt quá lạnh, độ ẩm quá khô hay nhiệt độ quá nóng đều có thể khiến da mất độ ẩm (Ảnh: ST)
- Tác dụng phụ của các loại thuốc:Thuốc kháng histamin (điều trị dị ứng), statin (điều trị cholesterol) và thuốc lợi tiểu (loại bỏ chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể) có thể gây khô da quá mức, dẫn đến da bị bong tróc, không chỉ ở mặt.
2. Cần làm gì khi da mặt bị bong tróc?
Điều trị tình trạng ngứa bong tróc da mặt cần dựa vào nguyên nhân khiến da mặt bị bong tróc là gì. Các biện pháp giúp giảm khô da mặt và giảm ngứa do da mặt bị bong tróc có thể tham khảo như:
- Bôi kem dưỡng ẩm lành tính, có chiết xuất tự nhiên như bơ hạt mỡ, axit lactin, axit hyaluronic, dimethicone, glyxerin, lanolin, dầu khoáng ngay sau khi rửa và lau khô mặt.
- Rửa mặt bằng các loại sữa rửa mặt dịu nhẹ, tránh sử dụng sữa rửa mặt có mùi thơm do chứa các hương liệu tổng hợp có thể khiến tình trạng da mặt bị bong tróc trở nên nghiêm trọng hơn.
- Rửa mặt nhẹ nhàng, không chà xát và thấm khô mặt bằng khăn mềm, nhất là với những người đang có các tổn thương trên da mặt như nứt nẻ, mụn hay phồng rộp gây đau rát.
- Tránh tắm quá lâu, chỉ nên tắm với nước ấm trong khoảng từ 5 - 10 phút, đặc biệt là nếu bạn bị khô da mùa lạnh. Tiếp xúc quá lâu với nước nóng khiến lớp dầu tự nhiên trên da bị mất và tình trạng da khô bong tróc trở nên nghiêm trọng hơn. Với người bị bong tróc da mặt do cháy nắng có thể rửa bằng nước mắt để làm mát da và giảm đau.
- Uống nhiều nước: Uống đủ nước mỗi ngày có thể cải thiện độ ẩm cho da nếu bị khô da do thiếu nước, nhất là ở người bị cháy nắng.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm, đặc biệt nếu gia đình sử dụng điều hòa, thiết bị sưởi thường xuyên.
- Thuốc mỡ hoặc kem corticosteroid có thể điều trị các triệu chứng da mặt bị bong tróc nhưng cần dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
3. Khi nào bị ngứa bong tróc da mặt cần thăm khám bác sĩ?
Mặc dù hầu như các nguyên nhân khiến da mặt bị bong tróc là bệnh gì không quá nguy hiểm nhưng nếu bạn nhận thấy các biện pháp giảm bong tróc da mặt tại nhà không đem lại hiệu quả và da mặt tiếp túc mẩn ngứa, đóng vảy liên tục thì bạn cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp điều trị phù hợp.
Đặc biệt cần kiểm tra với với bác sĩ nếu xuất hiện các nốt phồng rộp trên mặt kèm theo dịch mủ hôi tanh bất thường, da mặt bị bong tróc và nứt nẻ gây chảy máu hoặc ngứa ngáy tới mức bạn không thể ngừng gãi, ngay cả khi áp dụng các cách như chườm mát, dưỡng ẩm da tại nhà. Đây có thể là dấu hiệu da mặt bị nhiễm trùng và cần được điều trị bằng kháng sinh.
Châu Anh