Binh sĩ bán quân sự Pakistan tuần tra trên đường phố Karachi sau một vụ tấn công của các tay súng ở đây. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, chính Taliban giờ đây lại quay sang chống đối. Khoảng 15.000 tay súng Taliban được báo cáo đang tiến về biên giới Pakistan, gây thêm áp lực cho Islamabad trong bối cảnh xung đột với Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP).
Câu chuyện này phản ánh lời cảnh báo của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vào năm 2011: "Không thể nuôi rắn trong sân sau mà mong chúng chỉ cắn hàng xóm. Cuối cùng, chúng sẽ quay lại cắn chính người nuôi". Điều này đúng với tình cảnh hiện tại của Pakistan.
Vụ leo thang hiện nay bắt đầu từ các cuộc không kích của Pakistan vào tỉnh Paktika, Afghanistan, nhằm vào một cơ sở huấn luyện và các mục tiêu của TTP. Các cuộc tấn công này khiến 46 người thiệt mạng, bao gồm phụ nữ và trẻ em, theo phía Taliban.
Chính quyền Taliban ở Kabul đã lên án mạnh mẽ, gọi đây là hành động man rợ và xâm lược rõ ràng, đồng thời tuyên bố sẽ trả đũa.
Khoảng 15.000 tay súng Taliban hiện được báo cáo đang di chuyển từ Kabul, Kandahar và Herat về biên giới gần tỉnh Khyber Pakhtunkhwa của Pakistan. Điều này khiến mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Pakistan và Taliban càng trở nên nghiêm trọng.
Pakistan đang phải đối mặt với hai nhóm Taliban. Một là Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP), hoạt động chống lại Islamabad từ khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan. Nhóm còn lại là Taliban cầm quyền tại Afghanistan, lực lượng đã được Pakistan hỗ trợ trong quá khứ.
Sự trở lại của Taliban tại Afghanistan vào năm 2021 không chỉ khiến TTP mạnh hơn mà còn thúc đẩy các cuộc tấn công khủng bố gia tăng tại Pakistan.
Báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu và An ninh Pakistan cho biết, số ca tử vong do khủng bố tại nước này đã tăng 56% vào năm 2023 so với năm trước, với hơn 1.500 người thiệt mạng, bao gồm 500 nhân viên an ninh.
Kể từ khi Taliban ra đời vào giữa thập niên 1990, Pakistan đã cung cấp hỗ trợ đáng kể, bao gồm cố vấn quân sự, chuyên gia và đôi khi cả lực lượng chiến đấu.
Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì Taliban như một công cụ chiến lược nhằm tạo ảnh hưởng tại Afghanistan và đối phó với Ấn Độ.
Năm 1996, Pakistan là một trong ba quốc gia đầu tiên công nhận chế độ Hồi giáo của Taliban. Tuy nhiên, chính sách này giờ đây đã phản tác dụng khi Pakistan vừa phải đối phó với TTP vừa chịu áp lực từ Taliban cầm quyền ở Kabul.
Pakistan đã kỳ vọng Taliban sẽ giúp kiềm chế TTP, nhưng Kabul không hành động đủ để ngăn chặn các hoạt động khủng bố xuyên biên giới. Thay vào đó, sự liên minh giữa Taliban ở Afghanistan và TTP khiến tình hình càng phức tạp.
Cuộc chơi hai mặt với Taliban giờ đây đã quay lại đe dọa chính Pakistan. Điều này một lần nữa chứng minh nhận định của bà Hillary Clinton: chính sách nuôi dưỡng các nhóm cực đoan để đạt mục tiêu chiến lược đôi khi lại là con dao hai lưỡi.
Trước đó, ngày 25/12, chính quyền Taliban thông báo quân đội Pakistan đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào khu vực Paktika, miền Đông Afghanistan trước đó một ngày, khiến 46 người thiệt mạng, đồng thời cảnh báo sẽ có hành động đáp trả.
Thông báo của chính quyền Taliban cho biết quân đội Pakistan đã tấn công vào 4 địa điểm tại Afghanistan và khiến 46 người thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, cùng 6 người khác bị thương.
Thông báo cũng cáo buộc các cuộc tấn công của Pakistan vi phạm quy tắc quốc tế và phía Taliban sẽ có các động thái đáp trả.
Hiện chính phủ Pakistan vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức về thông tin trên. Tuy nhiên, truyền thông phương Tây dẫn nguồn tin giới chức Pakistan giấu tên cho biết quân đội nước này đã không kích vào các địa điểm trú ẩn của nhóm vũ trang Taliban tại Pakistan (TTP), mà Islamabad coi là tổ chức khủng bố.
Lực lượng TTP dù lấy tên theo phong trào Taliban song không phải là chính quyền Taliban ở Afghanistan.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo indiatoday)