15 cá thể voi nhà ở Đắk Lắk vẫn phải cõng khách du lịch

15 cá thể voi nhà ở Đắk Lắk vẫn phải cõng khách du lịch
6 giờ trướcBài gốc
Trong một buổi hội thảo liên quan đến phúc lợi của voi nhà vừa được tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, ông David Neale, Giám đốc toàn cầu về Phúc lợi và Tri giác động vật, Tổ chức động vật châu Á, cho biết năm 1985 tỉnh Đắk Lắk có 500 cá thể voi nhà. Đến nay, con số này chỉ còn 35.
Nhiều voi nhà vẫn cõng khách du lịch
Theo ông David Neale, đó là con số gây nhức nhối trong công tác bảo tồn quần thể voi nhà ở Đắk Lắk.
Du khách đứng trên bờ ngắm voi tắm suối ở Buôn Đôn. Ảnh: T.T
Hơn thế, hiện nhiều cá thể voi nhà của Đắk Lắk vẫn phải phục vụ cõng khách du lịch, đặc biệt là ở huyện Lắk. Ngoài thời gian phải cõng khách du lịch, voi còn bị xích, không có khả năng tiếp xúc với đồng loại…sẽ gây ức chế, dẫn đến những hành vi bất thường, rối loạn tâm lý của voi.
Ông David Neale nhấn mạnh, việc cải thiện điều kiện sống cho voi, bỏ hình thức cưỡi voi là cần thiết để hướng đến phát triển du lịch bền vững cùng voi.
Liên quan công tác bảo tồn voi, ông Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk (Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk), cho biết toàn tỉnh còn 15/35 cá thể voi nhà vẫn phục vụ cõng khách du lịch tại huyện Lắk.
Theo ông Chung, trước đây Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk phối hợp cùng Tổ chức Động vật Châu Á làm việc, triển khai chuyển đổi hình thức du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên toàn tỉnh.
Đàn voi nhà tại huyện Buôn Đôn. Ảnh: T.T
Qua đó, hầu hết cá thể voi nhà tại huyện Buôn Đôn đã được cải thiện điều kiện sống, trong đó 11 cá thể voi đang tham gia mô hình du lịch không cưỡi voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn.
Riêng tại huyện Lắk, các chủ voi chưa đồng ý với mức hỗ trợ mà trung tâm và Tổ chức động vật châu Á đưa ra. Vì vậy, đến nay 15 cá thể voi nhà tại huyện Lắk vẫn phục vụ cõng khách.
Hướng tới du lịch thân thiện với voi
Vẫn lời ông Chung, đối với một cá thể voi tham gia mô hình du lịch thân thiện, chủ voi được hỗ trợ 15 triệu đồng/tháng; hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng cho nài voi.
Tuy nhiên, khi tại huyện Buôn Đôn chuyển hẳn sang mô hình du lịch thân thiện với voi thì khách lại đổ về huyện Lắk để cưỡi voi. Vì vậy, có tình trạng chủ voi tại huyện Lắk tăng giá từ 300.000 đồng/15 phút cưỡi voi lên 600.000 đồng/15 phút cưỡi voi.
Du khách vào rừng ngắm voi. Ảnh: T.T
Vì vậy, khi Trung tâm Bảo tồn voi và Tổ chức động vật châu Á đưa ra mức giá hỗ trợ nói trên, chủ voi vẫn kêu thấp, gây khó khăn cho công tác chuyển đổi.
Ông Chung nói thêm, đầu tháng 5-2025, đơn vị đã vận động các chủ voi đưa voi tham gia mô hình du lịch thân thiện. Đồng thời, đề xuất Tổ chức động vật châu Á hỗ trợ tối đa cho chủ voi để bà con có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống khi không cho voi cõng khách du lịch.
“Chủ voi mong muốn có mức hỗ trợ cao. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là cần sự chung tay, phối hợp của các bên để mang lại phúc lợi cho đàn voi nhà. Khi chủ voi đồng lòng, dù thu nhập của họ có giảm xuống một chút, thiệt thòi một chút nhưng sẽ tăng phúc lợi cho voi, giúp voi nhà khỏe, vui, tăng tuổi thọ”, ông Chung nói.
Cũng theo ông Chung, khi khách du lịch nghĩ đến Đắk Lắk là sẽ nghĩ đến voi. Vì vậy, Trung tâm Bảo tồn voi đang cố gắng thực hiện nhiều giải pháp, phấn đấu đến năm 2026 sẽ không còn du lịch cưỡi voi, nhằm bảo tồn quần thể voi nhà Đắk Lắk.
Chú voi được tự do tìm kiếm thức ăn trong rừng. Ảnh: T.T
Ông David Neale đồng tình ý kiến của ông Chung về khó khăn khi thuyết phục chủ voi. Ông cho rằng việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về phúc lợi cho voi nhà rất quan trọng. Vì vậy, tới đây Tổ chức động vật châu Á sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để hướng tới mô hình du lịch thân thiện với voi trên toàn tỉnh Đắk Lắk.
Cam kết hỗ trợ 2 triệu USD để bảo tồn voi
Tổ chức Động vật Châu Á cam kết tài trợ trên 2 triệu USD cho tỉnh Đắk Lắk để triển khai mô hình du lịch thân thiện với voi (không cưỡi voi).
Từ năm 2016 đến nay, tổ chức này đã hỗ trợ khoảng 350.000 USD cho Đắk Lắk để thực hiện công tác bảo tồn voi và chuyển đổi du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi.
Đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 14 cá thể voi nhà đã được hỗ trợ, chuyển sang mô hình du lịch thân thiện với voi.
TIẾN THOẠI
Nguồn PLO : https://plo.vn/15-ca-the-voi-nha-o-dak-lak-van-phai-cong-khach-du-lich-post850283.html