Theo kế hoạch, khoảng 15 giờ chiều nay (15/7), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị thông tin về phổ điểm tất cả các môn. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025 chủ trì.
Tại đây, các chuyên gia lĩnh vực giáo dục sẽ phân tích phổ điểm các môn trong kỳ thi, đồng thời Bộ GD&ĐT sẽ cung cấp các thông tin liên quan kỳ thi.
Đúng 8h sáng mai (16/7), Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi cho toàn bộ thí sinh trên toàn quốc.
Đúng 8h sáng mai (16/7), Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi cho toàn bộ thí sinh trên toàn quốc. (ảnh: Hà Linh)
Kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 được đánh giá là kỳ thi đặc biệt bởi cùng lúc các địa phương tổ chức thi song song cho cả học sinh học theo Chương trình GDPT năm 2018 và học sinh đã học theo Chương trình GDPT2006.
Theo Bộ GD&ĐT, với gần 1,17 triệu thí sinh đăng ký dự thi, kỳ thi năm nay tăng gần 100.000 em đòi hỏi công tác tổ chức vất vả hơn. Tuy nhiên, sau 2 ngày thi diễn ra từ 26-27/6, kỳ thi đã được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, rút gọn buổi thi, số lượng môn thi.
Kết thúc kỳ thi, Bộ GD&ĐT đánh giá, đề thi được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, tích hợp nhiều câu hỏi mang tính thực tế và nhiều kiến thức liên môn.
Đề cũng bảo đảm có sự phân hóa phù hợp để có thể sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT đồng thời cung cấp dữ liệu tin cậy về năng lực của thí sinh cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nói rằng, đề thi năm nay có nhiều điểm mới, theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Cấu trúc, định dạng đề thi năm 2025 thay đổi hoàn toàn so với năm trước.
Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc kỳ thi, nhiều ý kiến học sinh, giáo viên và chuyên gia giáo dục nhận định, độ khó – dễ các môn chưa đồng đều, trong đó môn Toán, và tiếng Anh rất khó. Nhất là môn tiếng Anh, đề thi thách thức cả học sinh trường chuyên, học sinh có điểm thi IELTS, SAT cao.
Bộ GD&ĐT cho rằng, cần phải chờ đến “kết quả chấm thi sẽ rõ hơn".
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng thông tin, công tác chấm thi sau sáp nhập tỉnh thành được kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quá trình chấm.
Sau các buổi thi, hội đồng phải tổng hợp tình hình để xử lý ngay vấn đề bất thường nếu có. Ví dụ, ở đâu đó điểm thấp nhiều quá, điểm cao nhiều quá cũng phải đặt vấn đề. Kể cả chấm trắc nghiệm cũng phải xem xét có hiện tượng lỗi máy, thí sinh tô mờ hay không.
Trong thời gian tổ chức kỳ thi, cơ quan Công an đã phát hiện 3 đối tượng liên quan sử dụng thiết bị công nghệ để gian lận thi ở hai hội đồng thi.
Cụ thể, thí sinh dùng điện thoại chụp một phần câu hỏi của đề thi chuyển qua ứng dụng AI để giải đề và 1 em sử dụng thiết bị công nghệ cao đó là dùng camera gắn vào tay áo chụp và gửi đề ra ngoài nhờ người khác giải hộ.
Hà Linh