15 ngày sau vụ phanh phui sữa giả: Trách nhiệm quản lý còn bỏ ngỏ

15 ngày sau vụ phanh phui sữa giả: Trách nhiệm quản lý còn bỏ ngỏ
11 giờ trướcBài gốc
Những tháng cuối thai kỳ, chị N.T.O (TP Bắc Kạn) đã mua sẵn sữa bột cho con dùng ngay khi chào đời. Chị cẩn thận lựa chọn sản phẩm để đảm bảo an toàn cho bé. Khi đến bệnh viện, chị O. được nhân viên y tế tư vấn mua sữa Hapomil cho trẻ nhỏ nên đã mua về sử dụng.
Khi đọc thông tin về đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa giả với số lượng lớn lên tới 500 tỷ đồng tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, chị O. phát hiện hộp sữa Hapomil của một công ty nằm trong đường dây đó. Chị đã chia sẻ thông tin lên mạng xã hội và nhà thuốc bệnh viện cùng hóa đơn mua ngày 7/4.
Điều bà mẹ này lo lắng nhất là thành phần trong sữa có chất gây hại cho sức khỏe không, trẻ khi uống sản phẩm có bị ảnh hưởng gì không?
Đường dây sữa giả với 573 sản phẩm. Ảnh VTV.
Những con số gây sốc
Theo Bộ Công an, từ tháng 8/2021 đến nay, đường dây làm sữa giả tung ra thị trường 573 sản phẩm thu về 500 tỷ đồng. Các đối tượng đã thành lập Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP dược dinh dưỡng Hacofood Group và 9 doanh nghiệp khác.
Trong 573 sản phẩm trên, chỉ có 10% “khai sinh” ở Hà Nội; còn lại ở các địa phương khác như Hòa Bình (305 sản phẩm), Vĩnh Phúc (215 sản phẩm).
Không chỉ bán ở các đại lý, sữa của các công ty này còn được cung ứng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Các đơn vị chưa đưa ra con số cụ thể bao nhiêu sản phẩm trong đường dây sữa giả đã được đưa tới tay bệnh nhân.
Các loại sữa được quảng cáo dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng, phụ nữ có thai... Tuy nhiên, những thành phần công bố như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột quả óc chó... không tồn tại trong sản phẩm.
Một vòng trách nhiệm, cuối cùng không kiểm tra, hậu kiểm
Bộ Công Thương khẳng định các nhóm danh mục sữa bột của Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group sản xuất không thuộc đối tượng quản lý của Bộ này.
Còn Bộ Y tế cho rằng "đã giao phần lớn về địa phương quản lý". Hằng năm, Bộ đều có văn bản chỉ đạo Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các địa phương tăng cường công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Sản phẩm trong đường dây sữa giả len lỏi vào cả các bệnh viện Ảnh: VTV.
Trong khi đó, Sở Y tế Vĩnh Phúc lý giải, từ năm 2021 tới 2023, đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký 215 sản phẩm của 2 công ty trong đường dây sản xuất sữa giả.
Tháng 9/2024, đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra, hậu kiểm tại Chi nhánh Vĩnh Phúc - Công ty CP dược dinh dưỡng Hacofood Group. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, không có sản phẩm tồn kho nên không thể thực hiện lấy mẫu để gửi đi kiểm nghiệm.
Đối với chi nhánh Vĩnh Phúc của Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma, theo kế hoạch ban hành tháng 2/2025, Sở Y tế Vĩnh Phúc sẽ hậu kiểm về an toàn thực phẩm ở công ty này nhưng chưa đến thời điểm thực hiện.
Cả hai bệnh viện có nhân viên y tế tư vấn cho bệnh nhân dùng sản phẩm trong đường dây sữa giả khẳng định, các loại sữa được đưa vào sử dụng sau quá trình đấu thầu đều đúng quy định.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) đã chỉ đạo các bộ phận liên hệ với người bệnh được tư vấn sử dụng sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus để khuyến cáo dừng sử dụng, yêu cầu đơn vị cung ứng hoàn trả số tiền đã mua sản phẩm để bảo vệ quyền lợi người bệnh.
Liên quan tới việc quảng bá sản phẩm trong đường dây sữa giả còn có các chuyên gia y tế. Đó là PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia; bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia; Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Ngọc Hoa được giới thiệu là “chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn”.
Trao đổi với VietNamNet ngày 13/4, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, năm 2023, bà được một đơn vị truyền thông mời tham gia giới thiệu về Công ty CP dược dinh dưỡng Hacofood Group kèm các giấy tờ, trong đó có chứng nhận FDA của nhà máy khiến bà tin tưởng.
“Tôi không liên quan sản xuất”, PGS Lâm nhấn mạnh và nhận định rằng “lỗi của công ty là không kiểm nghiệm đầy đủ sau sản xuất”. Bản thân bà từng đến nhà máy, nhận thấy “có dây chuyền khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phải thay trang phục mới được vào”.
Về clip quảng cáo, bà Lâm cho biết đơn vị truyền thông không đưa cho bà xem lại, bản thân bà cho rằng “mình phát biểu không có gì sai, không nói gì quá”.
Có vấn đề ở cấp hệ thống, không chỉ ở một khâu thực thi
Trong vụ viêc có tới 305 sản phẩm sữa do doanh nghiệp tự công bố sản phẩm ở Hòa Bình, theo cơ quan chức năng, doanh nghiệp nộp hồ sơ tự công bố sản phẩm, được chứng nhận, nhưng sau đó không bán hàng ở địa phương nên không thể hậu kiểm.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đây là một lỗ hổng nghiêm trọng trong cơ chế hậu kiểm và quản lý nhà nước đối với các sản phẩm tự công bố – một mô hình vốn được thiết kế nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhưng lại đang bị lợi dụng để né tránh trách nhiệm pháp lý và kiểm soát chất lượng.
Về bản chất, tự công bố sản phẩm là cơ chế dựa trên sự tin cậy và trách nhiệm: Doanh nghiệp chủ động công khai thông tin, còn cơ quan nhà nước sẽ hậu kiểm nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm. Nhưng trong vụ việc này, niềm tin ấy đã bị lạm dụng, khi các doanh nghiệp dùng chiêu “đổi pháp nhân liên tục” và “nộp hồ sơ một nơi, bán hàng nơi khác” để thoát khỏi vòng giám sát.
Khi một địa phương như Hòa Bình cho rằng “không thể hậu kiểm vì doanh nghiệp không bán hàng tại địa phương”, thì rõ ràng đang có vấn đề ở cấp hệ thống, không chỉ ở một khâu thực thi.
Phương Thúy
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/15-ngay-sau-vu-phanh-phui-sua-gia-trach-nhiem-quan-ly-con-bo-ngo-2395031.html