Mưa dông lốc sét gây hậu quả nghiêm trọng
Số liệu báo cáo nhanh ngày 21/7 của các tỉnh, TP: Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đồng Nai, cho biết từ ngày 19 - 20/7/2025, mưa kèm dông, lốc, sét, mưa đá đã gây thiệt hại nặng nề.
Nghiêm trọng nhất là 4 người bị chết (Lạng Sơn: 1 người, do sét đánh; Thái Nguyên: 1 người, do tường rào đổ vào người; Phú Thọ: 1 người, do mái tôn bay vào người; Nghệ An: 1 người, do cành cây gãy đè vào người).
Dông lốc gây tốc mái nhà dân tại Thanh Hóa.
Các loại hình thiên tai còn khiến 11 người bị thương. Trong đó, riêng tại Hà Nội, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết cũng ghi nhận 3 trường hợp người dân bị thương, phải vào viện điều trị. Hiện nay, sức khỏe đã cơ bản ổn định và được trở về nhà.
Bên cạnh thiệt hại về người, ít nhất 19 nhà dân tại các địa phương đã bị hư hỏng hoàn toàn; 1.736 ngôi nhà hư hỏng nhẹ và tốc mái; trong đó, Phú Thọ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 535 nhà dân; tiếp đến là Nghệ An, Thái Nguyên, Thanh Hóa...
Mưa dông cũng khiến 32 điểm trường bị thiệt hại, ảnh hưởng. 55,6ha lúa,137,2ha hoa màu, 33,5ha cây ngắn ngày và 60,6ha cây lâu năm bị gãy đổ, thiệt hại. 36 phương tiện tàu thuyền bị lật, chìm. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương đã tổ chức chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Bảo đảm an toàn cho người dân
Hiện nay, bão số 3 đang tiến vào vịnh Bắc Bộ. Dự báo ngày 22/7, sẽ tiệm cận đất liền các tỉnh Hưng Yên - Thanh Hóa, gây mưa lớn diện rộng kéo dài nhiều ngày. Trong đợt mưa này, Hà Nội cũng sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to từ ngày 21 - 25/7.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, từ ngày 21 - 25/7, trên các sông ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên trên các sông từ 3,0 - 6,0m.
Lãnh đạo xã Phúc Lộc (TP Hà Nội) kiểm tra an toàn hệ thống đê điều.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ, sông Thao, thượng nguồn sông Mã có khả năng lên mức báo động (BĐ)2- BĐ3; đỉnh lũ hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình ở dưới BĐ1; hạ lưu sông Mã, sông Cả dao động ở mức BĐ1.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Trường Sơn cho biết, tại các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có: 29.259 lồng bè; 3.906 chòi canh nuôi trồng thủy sản; 149.870ha nuôi thủy sản có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão và mưa lũ.
Ngoài ra, tại các địa phương có nguy cơ ảnh hưởng của bão số 3 còn có 933.789ha lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh; 274.352ha hoa màu; 216.278ha cây ăn quả có nguy cơ thiệt hại do bão số 3…
An toàn hồ chứa cũng hết sức đáng lo ngại khi tại khu vực Bắc Bộ đến Hà Tĩnh có 91 hồ đang sửa chữa, nâng cấp. Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 44 vị trí trọng điểm đê điều xung yếu…
Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ ảnh hưởng lớn của bão số 3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các tỉnh, TP tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 112/CĐ-TTg và số 117/CĐ-TTg về việc khẩn trương triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 3.
Tập trung kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền tại khu neo đậu; kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu khi bão đổ bộ vào.
Các tỉnh, TP chủ động rà soát các khu dân cư, tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu. Gia cố, bảo vệ nhà xưởng, công trình hạ tầng. Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, dông lốc trước bão...
Tùng Nguyễn