15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới

15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới
4 giờ trướcBài gốc
Phát biểu tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 tại Hà Nội chiều nay (6/5), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Người phát ngôn của Chính phủ cho biết: Các thành viên Chính phủ nhận định, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; nguy cơ rủi ro, bất ổn tăng cao do chính sách thuế quan đột ngột của Hoa Kỳ, gây ra phản ứng mạnh mẽ của các nước, đe dọa nghiêm trọng các chuỗi cung ứng, sản xuất, thương mại, đầu tư và tăng trưởng toàn cầu. Các tổ chức quốc tế đồng loạt hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025.
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 diễn ra tại Hà Nội chiều nay 6/5 (Ảnh: VGP)
Tình hình kinh tế tháng 4 chuyển biến tích cực:
Sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 8,4%, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10%.
Thu hút gần 7,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 23,8%, cao nhất từ trước đến nay.
Thu NSNN bằng 48% dự toán năm, tăng 26,3%
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 276 tỷ USD, tăng 15,7%, xuất siêu 3,8 tỷ USD.
Tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng, đạt trên 13,8 tỷ USD, tăng 40%; vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025.
"Trong nước, chúng ta vừa đi qua những ngày tháng 4 lịch sử với tinh thần "thần tốc và táo tạo", trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; hoàn thành khối lượng lớn công việc", Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn điểm lại một số kết quả phát triển kinh tế đạt được trong 4 tháng đầu năm: Đồng loạt khánh thành, khởi công 80 dự án, công trình trọng điểm, hạ tầng chiến lược trên cả nước; Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên và chuẩn bị các phương án đàm phán, ứng phó với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; Trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cung cấp thông tin về tình hình KTXH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025.
Khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 8% khó khăn hơn
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cũng nêu rõ: Chính phủ nhìn nhận còn một số tồn tại, hạn chế: Khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 8% khó khăn hơn do chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ và sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là trước những biến động bên ngoài. Hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn, tiếp cận vốn tín dụng còn hạn chế. Các động lực tăng trưởng truyền thống chưa đạt kỳ vọng, trong khi các động lực tăng trưởng mới vẫn cần thời gian để phát huy hiệu quả. Phân cấp, phân quyền chưa triệt để; thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân...
Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhận mạnh 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện trong thời gian tới:
(1) Các Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương chủ động rà soát lại công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công để khắc phục các hạn chế, bất cập đã chỉ ra.
(2) Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là 4 Nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị (NQ57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; NQ59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, NQ66 về xây dựng và thực thi pháp luật, NQ68 về phát triển kinh tế tư nhân). Chuẩn bị kỹ, chu đáo tài liệu phục vụ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
(3) Tập trung thực hiện hiệu quả việc sắp xếp địa giới hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thực sự chuyển đổi trạng thái từ thụ động giải quyết thủ tục hành chính sang tích cực, chủ động phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự lực, tự cường; rà soát, sửa đổi các văn bản hướng dẫn sáp nhập; rà soát lại toàn bộ việc phân cấp, phân quyền của ngành mình và đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết về phân cấp, phân quyền.
(4) Ứng phó hiệu quả chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ: (i) Chuẩn bị kỹ phương án, đàm phán hiệu quả với phương châm "hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ" và trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, hướng tới thương mại cân bằng, bền vững. (ii) Bảo đảm các nội dung đàm phán không ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia. (iii) Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ. (iv) Khai thác tốt thị trường trong nước; tăng cường kiểm tra giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. (v) Thường xuyên trao đổi và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ.
(5) Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế:
- Điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp theo NQ 68 của Bộ Chính trị.
- Tăng cường quản lý thị trường vàng, phòng, chống và cương quyết xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng, găm hàng và buôn lậu.
- Phấn đấu tăng thu ít nhất 15%; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí. Phát triển thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, bền vững; đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.
(6) Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, đẩy mạnh xuất khẩu và đàm phán, mở rộng các thị trường mới; kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam, nhất là các sản phẩm OCOP. Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển thị trường bất động sản.
(7) Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch; xử lý nghiêm các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đến 15/3/2025; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao.
(8) Thực hiện tốt chính sách ưu đãi visa, mở rộng diện miễn thị thực nhập cảnh cho một số đối tượng, quốc gia để tăng cường thu hút du khách quốc tế và phù hợp với việc sửa đổi Luật Quốc tịch.
(9) Tiếp tục xử lý có kết quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài; đặc biệt sớm đưa vào triển khai hơn 2.200 dự án đầu tư với tổng số vốn gần 6 triệu tỷ đồng.
(10) Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xây dựng Đề án phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí.
(11) Chuẩn bị tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng 8 thành công và Quốc khánh 2/9, trong đó có lễ diễu binh, diễu hành; khánh thành, khởi công 80 công trình, dự án lớn; triển lãm thành tựu KTXH…
(12) Tiếp tục triển khai quyết liệt phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong 2025". Đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
(13) Bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
(14) Củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế.
(15) Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, chú trọng truyền thông chính sách, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, tạo khí thế mới, động lực mới, phong trào thi đua thực chất, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Trần Ngọc - Hoàng Lê/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/15-nhom-nhiem-vu-giai-phap-trong-tam-can-thuc-hien-trong-thoi-gian-toi-post1197413.vov