15 tỉnh, thành phố tham gia khảo sát Chương trình TALIS Chu kỳ 2024

15 tỉnh, thành phố tham gia khảo sát Chương trình TALIS Chu kỳ 2024
19 giờ trướcBài gốc
Thầy cô tham gia khảo sát tại Trường THCS Nguyễn Trãi, Xuân Lộc, Đồng Nai.
Theo Báo cáo tóm tắt tình hình giám sát khảo sát chính thức Chương trình đánh giá quốc tế về dạy và học (TALIS) Chu kỳ 2024 có 26 cơ sở giáo dục (thuộc 15 tỉnh/thành phố) kiểm tra, giám sát.
Trong đó, miền Bắc: Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Giang, TP. Hà Nội, Phú Thọ. Miền Trung: Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai. Miền Nam: An Giang, Đồng Nai, Kiên Giang, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh.
Thời gian khảo sát diễn ra từ ngày 28/3 đến hết ngày 05/4/2024. Hình thức khảo sát trực tuyến trên máy tính.
Báo cáo tóm tắt tình hình giám sát khảo sát chính thức Chương trình đánh giá quốc tế về dạy và học (TALIS) Chu kỳ 2024, những thuận lợi trong quá trình khảo sát chính là: Quy trình triển khai thực hiện KSCT bảo đảm đúng quy trình, kỹ thuật, mục tiêu và yêu cầu đề ra;
Hội đồng khảo sát cấp tỉnh/thành phố và Tổ khảo sát nhà trường: Thực hiện đúng nhiệm vụ, vai trò và trách nhiệm trong công tác triển khai tổ chức khảo sát.
Công tác tổ chức diễn ra nghiêm túc, bảo đảm tính khách quan và trung thực trong việc thu thập dữ liệu;
Đối tượng tham gia là Hiệu trưởng và giáo viên đều nắm chắc tinh thần của cuộc khảo sát. Thái độ tham gia tích cực và thực hiện trả lời phiếu hỏi nghiêm túc, trung thực, khách quan, tuân thủ các quy định khác trong quá trình thực hiện khảo sát.
Bên cạnh đó, các đoàn khảo sát cũng gặp một số khó khăn như nhiều cơ sở giáo dục tham gia khảo sát, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn: nhiều máy tính, đường truyền internet,… không đạt yêu cầu phải sử dụng laptop cá nhân để tham gia khảo sát tuy nhiên Không ảnh hưởng đến kết quả của khảo sát.
Chương trình Đánh giá Quốc tế dạy và học (tên tiếng Anh: Teaching And Learning International Survey, viết tắt là TALIS) là cuộc khảo sát quốc tế lớn nhất thế giới về giáo viên và cán bộ quản lý trường học do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nghiên cứu xây dựng và triển khai tổ chức, được diễn ra với chu kỳ đánh giá 5 năm/lần.
Chu kỳ đầu tiên của Chương trình TALIS bắt đầu vào năm 2008 tại 24 quốc gia/vùng kinh tế OECD; TALIS chu kỳ 2013 có 33 quốc gia/vùng kinh tế tham dự, TALIS chu kỳ 2018 có 46 quốc gia/vùng kinh tế tham gia. Và chu kỳ gần đây nhất vào năm 2024 có 53 quốc gia/vùng kinh tế tham gia. Điều này càng khẳng định thêm uy tín và hiệu quả của TALIS trên thế giới.
Các thầy cô ở An Giang tham gia khảo sát.
Chương trình TALIS tiến hành nghiên cứu vai trò của Hiệu trưởng và sự hỗ trợ của họ dành cho giáo viên; những cách thức công nhận, phê duyệt và khen thưởng giáo viên trong đánh giá công tác giảng dạy; đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu phát triển chuyên môn của giáo viên.
TALIS nghiên cứu về đội ngũ giáo viên để đưa ra góc nhìn sâu hơn vào niềm tin và thái độ về việc giảng dạy mà giáo viên mang tới lớp học và các phương pháp thực hành sư phạm mà họ áp dụng; Nghiên cứu về các yếu tố khác nhau có liên quan đến cảm xúc của giáo viên về sự hài lòng công việc và sự tự tin vào bản thân.
Thông qua việc tham dự TALIS, các quốc gia sẽ định hướng xây dựng chính sách và các giải pháp phát triển đội ngũ Hiệu trưởng, giáo viên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng trong trường học hiện nay.
Ngoài ra, TALIS kết nối với PISA xây dựng nên hệ thống dữ liệu đầy đủ về nhà trường, giáo viên và học sinh để tạo một bức tranh tổng thể về chất lượng giáo dục phổ thông ở mỗi quốc gia.
Việc tham gia PISA và TALIS sẽ tạo ra sự nhất quán cao, phối hợp chặt chẽ giữa TALIS và PISA sẽ giúp tăng cường hiệu quả cho cả hai chương trình đánh giá này. Các nguồn dữ liệu bổ trợ nhau sẽ nâng cao chất lượng dữ liệu, tạo ra các góc nhìn chính sách hoàn chỉnh và sâu sắc hơn, hoàn thiện bức tranh của nền giáo dục và khuyến khích các hoạt động giáo dục của các quốc gia tham gia.
Văn Đức
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/15-tinh-thanh-pho-tham-gia-khao-sat-chuong-trinh-talis-chu-ky-2024-post725704.html