18 địa phương chi sai nguồn cải cách tiền lương

18 địa phương chi sai nguồn cải cách tiền lương
12 giờ trướcBài gốc
Chiều 16/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thay mặt Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt bổ sung dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 chưa được bổ sung tại Nghị quyết số 1077 ngày 28/6/2024 của UBTVQH về việc bổ sung dự toán thu NSNN năm 2023 là 16.655 tỷ đồng (bao gồm: tăng thu ngân sách T.Ư (NSTW) là 12.974 tỷ đồng, tăng thu ngân sách địa phương là 3.681 tỷ đồng).
Chính phủ cũng trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2023 với tổng số thu cân đối NSNN là 3.023.547 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: Media Quốc hội)
Tại báo cáo quyết toán NSNN, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, đến hết ngày 31/12/2023, số dư kinh phí cải cách tiền lương của NSTW là 149.208 tỷ đồng, trong đó số dư của các bộ, ngành là 70 tỷ đồng; số dư cải cách tiền lương của các địa phương là 387.186 tỷ đồng.
Với nội dung này, tại Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2023, ông Ngô Văn Tuấn - Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, kết quả kiểm toán cho thấy, tại các bộ, cơ quan Trung ương một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa trích lập, trích lập nguồn cải cách tiền lương chưa đảm bảo tỷ lệ; chưa quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn cải cách tiền lương; không thuộc đối tượng trích lập nhưng vẫn trích.
Cũng theo ông Tuấn, một số địa phương chưa rà soát hết nguồn lực khi xác định nhu cầu, dẫn đến trong năm NSTW bổ sung song cuối năm vẫn còn dư nguồn cải cách tiền lương.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày trước Quốc hội Báo cáo kiểm toán Quyết toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023. (Ảnh: Media Quốc hội)
Bên cạnh đó, 11/56 địa phương theo dõi, quản lý nguồn cải cách tiền lương chưa phù hợp 3.715,52 tỷ đồng; 18/56 địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi đầu tư, chi thường xuyên hoặc các nhiệm vụ khác không đúng quy định 1.389,6 tỷ đồng.
Có 6 địa phương được Kiểm toán Nhà nước xác định lại nguồn cải cách tiền lương đến 31/12/2023 cao hơn số Bộ Tài chính thông báo thẩm định.
“Theo quy định, phải sử dụng 70% từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương để tạo nguồn CCTL, tuy nhiên, dự toán thu lại lập không sát khả năng thực tế. Điều này dẫn tới việc tăng thu cao, nhưng chủ yếu lại sử dụng cho CCTL mà thiếu nguồn chi cho các nhiệm vụ chi cần thiết, cấp bách khác như đầu tư phát triển, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…”, ông Tuấn nêu thực tế.
Lê Hoàng/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/18-dia-phuong-chi-sai-nguon-cai-cach-tien-luong-post1199958.vov