18 tỉnh thành phố phải tăng trưởng hai con số năm 2025

18 tỉnh thành phố phải tăng trưởng hai con số năm 2025
4 giờ trướcBài gốc
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8% trở lên cho tất cả tỉnh, thành phố năm 2025. Ảnh: Quỳnh Danh.
Theo Nghị quyết 25 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, Chính phủ đã đặt ra yêu cầu tăng trưởng GRDP từ 8% trở lên cho tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong đó, có tới 18 tỉnh, thành phố được giao mức tăng trưởng trên 10%.
18 địa phương tăng trưởng hai con số
Cụ thể, Bắc Giang là địa phương được yêu cầu tiêu tăng trưởng cao nhất cả nước năm 2025 với 13,6%.
Từ năm 2022 đến nay, Bắc Giang liên tiếp đứng đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2024 vừa qua, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh này cũng đạt 13,87%, gấp gần 2 lần bình quân chung cả nước và là năm thứ 5 liên tiếp tỉnh tăng trưởng cao hai con số. Một trong những động lực tăng trưởng chính của Bắc Giang đến từ môi trường đầu tư. Năm ngoái, địa phương này thu hút trên 2,14 tỷ USD vốn đầu tư, đứng thứ 10 cả nước về hút vốn FDI
Sau Bắc Giang là Ninh Thuận với yêu cầu tiêu tăng trưởng 13% năm nay, mức này cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tỉnh đạt được trong năm 2024 là 8,74% nhưng tương đương với mục tiêu tỉnh đề ra trước đó là 13-14%.
Ninh Thuận đang là một trong những địa phương trọng điểm về đầu tư hạ tầng của cả nước, trong đó bao gồm 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Tại phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ là chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, trong khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chịu trách nhiệm phát triển Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trước ngày 31/12/2030.
Năm 2025, TP Hải Phòng được giao chỉ tiêu tăng trưởng 12,5%, tương đương với mục tiêu tỉnh đặt ra cho năm nay. Nếu hoàn thành chỉ tiêu được giao, 2025 sẽ là năm thứ 11 liên tiếp kinh tế Hải Phòng duy trì đà tăng trưởng hai con số.
Ngoài ra, Quảng Ninh và Ninh Bình cũng là 2 địa phương được yêu cầu tăng trưởng GRDP năm nay ở mức cao, đạt 12%. Đây cũng là mức tăng trưởng cả 2 tỉnh này đặt ra cho năm nay.
13 địa phương còn lại được Chính phủ yêu cầu đạt mức tăng trưởng tối thiểu 10% trở lên bao gồm Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Kon Tum, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (trừ dầu thô, khí đốt).
Trong khi đó, hai "đầu tàu kinh tế" của cả nước là Hà Nội và TP.HCM được giao chỉ tiêu tăng trưởng ở nhóm thấp, cụ thể Hà Nội là 8% còn TP.HCM là 8,5%. Như vậy mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho Hà Nội cao hơn mục tiêu TP đặt ra trước đó, trong khi lãnh đạo TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn yêu cầu của Chính phủ.
Thặng dư thương mại 30 tỷ USD
Nghị quyết 25 cũng đặt ra 12 chỉ tiêu tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực năm nay như chi đầu tư phát triển/tổng chi NSNN đạt 31%; chi thường xuyên/tổng chi NSNN dưới 60%; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 12%; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tăng 12,5-13%; thặng dự thương mại 30 tỷ USD...
Ngoài ra, Chính phủ đặt mục tiêu thu hút 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm nay, cùng với 120-130 triệu lượt khách nội địa.
Tại Nghị quyết, Chính phủ xác định năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Trong khi đó, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, không đồng đều, thiếu vững chắc, rủi ro gia tăng. Nền kinh tế nước ta dự báo duy trì đà tăng trưởng tích cực, có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại đã kéo dài nhiều năm, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn...
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1 diễn ra chiều 5/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết mục tiêu tăng trưởng năm 2025 phải đạt 8% trở lên để bù đắp cho mức tăng trưởng thấp của các năm trước, từ đó đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của cả giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, mức tăng GDP 8% năm nay cũng nhằm tạo nền tảng cho Việt Nam bước vào giai đoạn mới, kỷ nguyên đạt mục tiêu tăng trưởng liên tục trong nhiều năm với mức cao hai con số.
“Đây là nhiệm vụ rất nặng nề và thách thức, nhưng cũng phù hợp với mục tiêu mà Việt Nam hướng tới là phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045”, Thứ trưởng Bộ KHĐT nhấn mạnh.
Thủy Tiên
Nguồn Znews : https://znews.vn/18-tinh-thanh-pho-phai-tang-truong-hai-con-so-nam-2025-post1529707.html