Nhiều người ở Philippines đã tốt nghiệp nhưng vẫn không biết đọc. Ảnh: AFP.
Một con số gây sốc: 18 triệu học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở Philippines được xác định là “mù chữ chức năng” – một thực trạng mà các nhà lập pháp và chuyên gia giáo dục cho rằng đã phơi bày những thất bại mang tính hệ thống trong hệ thống trường học của nước này và cần được khắc phục khẩn cấp. Con số này được Cơ quan Thống kê Philippines (PSA) công bố trong một phiên điều trần tại Thượng viện vào ngày 30/4.
Các nhà lập pháp đã xem xét kết quả Khảo sát về Biết chữ Chức năng, Giáo dục và Truyền thông Đại chúng năm 2024 của cơ quan này – một cuộc khảo sát quy mô toàn quốc về trình độ biết chữ cơ bản và chức năng, được thực hiện 5 năm một lần. Phiên bản năm ngoái đã khảo sát 572.910 người từ 177.656 hộ gia đình mẫu trên khắp cả nước.
“Dựa trên con số năm 2024, có 18 triệu học sinh mà PSA xác định là đã tốt nghiệp trung học (cả cấp 2 và cấp 3), nhưng lại không biết chữ chức năng. Tức là các em tốt nghiệp hệ thống giáo dục cơ bản của chúng ta, nhưng không thể đọc, không thể hiểu và tiếp thu một câu chuyện đơn giản”, Thượng nghị sĩ Sherwin Gatchalian, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Cơ bản của Thượng viện, cho biết.
Khoảng 79 triệu người được coi là biết chữ chức năng trong bản báo cáo năm 2019, khi thuật ngữ này được định nghĩa là có kỹ năng đọc, viết và tính toán. Tuy nhiên, đến năm 2024, định nghĩa này đã được cập nhật, yêu cầu trình độ hiểu sâu hơn, và vì thế số người được đánh giá là biết chữ chức năng đã giảm xuống còn 60 triệu.
“Cứ năm người tốt nghiệp thì có một người không thể hiểu và tiếp thu một câu chuyện đơn giản”, ông Gatchalian nói. “Đây là mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện tại”.
Ông Gatchalian cho biết ông ủng hộ việc nâng yêu cầu để được coi là biết chữ, vì nó phản ánh chính xác hơn thực trạng của hệ thống giáo dục, nhưng cũng bày tỏ lo ngại rằng học sinh vẫn có thể tốt nghiệp mà không đạt được những kỹ năng căn bản này. “Điều này không được phép xảy ra. Không ai nên được tốt nghiệp khỏi hệ thống giáo dục cơ bản của chúng ta mà không có khả năng biết chữ chức năng,” ông nói, đồng thời kêu gọi Bộ Giáo dục có hành động chủ động hơn để giải quyết vấn đề.
Học sinh Philippines đang chờ lớp học bên ngoài một trường trung học ở Manila. Ảnh: AFP.
"Sốc, nhưng không bất ngờ"
Số lượng học sinh tốt nghiệp trung học ở Philippines thiếu kỹ năng hiểu biết nâng cao là “gây sốc, nhưng không hoàn toàn bất ngờ”, theo lời của ông Mark Go, nghị sĩ đại diện cho thành phố Baguio và đồng Chủ tịch Ủy ban Quốc hội về Giáo dục lần thứ hai (EDCOM 2). Ủy ban này có nhiệm vụ đánh giá và đề xuất các cải cách cho hệ thống giáo dục quốc gia.
“Các vấn đề về biết chữ đã được thể hiện rõ trong các báo cáo của EDCOM 2 cũng như các nghiên cứu đánh giá quốc tế trước đó”, ông Go chia sẻ với chuyên trang This Week in Asia.
Ông Go dẫn chứng khảo sát PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố năm 2024, trong đó Philippines chỉ đạt điểm trung bình 14 về tư duy sáng tạo – thấp hơn nhiều so với mức chuẩn toàn cầu là 33. Trong khi đó, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2022 về “tình trạng nghèo trong học tập” – tức là không thể đọc hiểu một văn bản đơn giản trước 10 tuổi – cho thấy tỷ lệ của Philippines là 91%, trong khi Singapore chỉ ở mức 3%.
“Tất cả các nghiên cứu đều độc lập xác nhận rằng quốc gia chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng giáo dục, với khoảng cách lớn về chất lượng so với các nước láng giềng”, ông Go nhận định.
Là Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Đại học và Kỹ thuật tại Hạ viện, ông Go cho biết con số nói trên rất đáng lo ngại vì ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh toàn cầu của Philippines trong xuất khẩu lao động.
“Thật buồn khi thấy con em chúng ta bị tụt lại rất xa về những năng lực cần thiết để xây dựng nền tảng kỹ năng và trở thành lực lượng lao động có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Điều đó cho thấy nền tảng của tư duy phản biện và giải quyết vấn đề – vốn cần được hình thành ngay từ khi bắt đầu đi học – đang bị thiếu hụt”, ông nói.
Ông Go cũng cho rằng tình trạng này càng trầm trọng hơn bởi “sự mất mát trong học tập” do đại dịch gây ra, khi việc học bị gián đoạn bởi tình trạng nghỉ học và sự bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận công nghệ để học từ xa.
Tawi-Tawi có tỷ lệ mù chữ chức năng cao nhất ở Philippines. Ảnh: Shutterstock.
Các tỉnh có tỷ lệ mù chữ chức năng cao nhất nằm ở Mindanao, phía nam Philippines, trong đó Tawi-Tawi – tỉnh cực nam của cả nước – có tỷ lệ lên tới 67%, tiếp theo là Davao Occidental với 43%.
“Tại Tawi-Tawi, nếu bạn muốn đầu tư kinh doanh, hay triển khai các chương trình sinh kế ý nghĩa, thì rất khó nếu người dân không thể hiểu hay tiếp thu một câu chuyện đơn giản. Vì vậy, việc phá vỡ vòng lặp nghèo đói là rất khó nếu chúng ta còn gặp vấn đề với cả năng lực biết chữ cơ bản và chức năng,” ông Gatchalian nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng điều quan trọng là cần thông báo cho chính quyền địa phương ở những khu vực này, để họ chủ động giải quyết tình trạng mù chữ, thông qua nguồn lực địa phương hoặc phân bổ ngân sách quốc gia để hỗ trợ thêm.
Trong khi đó, tổ chức Philippine Business for Education – một nhóm vận động cải cách giáo dục – đã kêu gọi các ứng cử viên trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới đặt giáo dục làm trung tâm trong cương lĩnh tranh cử của mình.
Các ứng viên cần “tăng đầu tư vào giáo dục cơ bản và giáo dục đại học, bao gồm đào tạo giáo viên, hỗ trợ và cơ sở hạ tầng trường học; thu hẹp khoảng cách kỹ năng thông qua sự liên kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp và học thuật; và triển khai các cải cách dựa trên bằng chứng nhằm nâng cao kết quả học tập và khả năng có việc làm”, theo lời ông Hanibal Camua, Giám đốc Điều hành tổ chức.
Philippines sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 12/5.
“Đã đến lúc vượt lên trên mọi toan tính chính trị và đặt giáo dục lên hàng đầu. Chúng tôi kêu gọi các ứng viên đưa ra các kế hoạch cụ thể và giải pháp thực tế để giải quyết khủng hoảng học tập, sự sẵn sàng cho thị trường lao động và các cải cách hệ thống”, ông Camua nói.
Theo SCMP
Thu Quyên