Bạn phải biến mình thành người tràn đầy năng lượng tích cực và tập hợp những người có năng lượng tích cực xung quanh mình. (Ảnh: ITN)
Vì vậy, bạn phải biến mình thành người tràn đầy năng lượng tích cực và tập hợp những người có năng lượng tích cực xung quanh mình để cùng hoàn thành công việc cũng như duy trì cuộc sống hạnh phúc.
Thanh lọc cảm xúc
Chỉ vì một chuyện nhỏ không vui vào sáng sớm, chẳng hạn như đi làm muộn vì kẹt xe, hay quên mang ô khi trời mưa, cả ngày chúng ta sẽ cảm thấy không vui.
Chúng ta thường mang những cảm xúc tiêu cực vào những tình huống mới, và những cảm xúc tiêu cực này sẽ tiếp tục lan rộng, tích tụ đến mức gây ra căng thẳng cực độ.
Hơn nữa, cảm xúc có tính lây lan. Trong hệ thần kinh của con người có các tế bào thần kinh phản chiếu đóng vai trò trong nhận thức “thấu cảm” về người khác. Những cảm xúc tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh chúng ta.
Một chiếc cốc đựng đầy nước đục. Cho dù có thêm bao nhiêu nước sạch thì nước vẫn đục. Hãy luôn thanh lọc cảm xúc, đưa chúng về mức không, xoa dịu những suy nghĩ bồn chồn và giữ cho tâm trí bình yên để bạn có thể chào đón nguồn năng lượng tích cực.
Sau một ngày bận rộn, bạn hãy thử hai phương pháp hữu ích sau đây:
Chánh niệm
Bắt đầu bằng cách duy trì sự quan sát bên trong, tập trung vào cảm xúc thể chất, cảm xúc tâm lý và suy nghĩ hiện tại trong tâm trí bạn. (Ảnh: ITN)
Chánh niệm không phải là suy nghĩ tích cực. Nó có nguồn gốc từ thiền Phật giáo - nhận thức mọi thứ ở thời điểm hiện tại mà không đưa ra bất kỳ phán xét nào, chỉ đơn giản là cảm nhận nó.
Bắt đầu bằng cách duy trì sự quan sát bên trong, tập trung vào cảm xúc thể chất, cảm xúc tâm lý và suy nghĩ hiện tại trong tâm trí bạn, trải nghiệm trạng thái thể chất và tinh thần của bạn một cách khách quan với thái độ cởi mở và chấp nhận.
Để tiến lên một cấp độ cao hơn, bạn cần thoát ra khỏi khuôn khổ của chính mình và khám phá xem bạn bị giới hạn bởi những cảm xúc, tình cảm và suy nghĩ này như thế nào.
Sau đó, từ góc nhìn cao nhất, hãy khoan dung và chấp nhận bản thân cũng như mọi thứ xung quanh, đạt đến trạng thái “nhìn cuộc sống bằng nụ cười”.
Thiền
Thiền có nguồn gốc từ yoga. Trong Phật giáo và Đạo giáo, nó được gọi là thiền định hay tọa thiền. Phương pháp thực hành thực tế có thể khác nhau, nhưng tất cả đều bao gồm việc đạt đến trạng thái tập trung và chú ý.
Hệ thần kinh của con người bao gồm dây thần kinh giao cảm và dây thần kinh phó giao cảm, có chức năng trái ngược nhau và điều hòa lẫn nhau tùy theo tình trạng của cơ thể.
Hệ thần kinh giao cảm giống như chân ga, còn hệ thần kinh phó giao cảm giống như chân phanh.
Thiền có thể làm giảm tác dụng của hệ thần kinh giao cảm, tăng cường tác dụng của hệ thần kinh phó giao cảm và đưa cơ thể vào trạng thái bình tĩnh, thư giãn.
Nó cũng làm giảm mức độ cortisol (hormone gây căng thẳng) trong máu, giảm tiết adrenaline và giúp cơ thể duy trì trạng thái ổn định.
Rèn luyện kỹ năng lạc quan
Stephen Hawking được biết đến là nhà vật lý xuất sắc nhất sau Einstein, bị chẩn đoán mắc bệnh ALS ở tuổi 21. Hawking bị liệt và không thể nói. Chỉ có mắt và một vài ngón tay có thể cử động.
Vào thời điểm đó, các bác sĩ ước tính Hawking chỉ còn sống được 2 hoặc 3 năm nữa, nhưng với ý chí mạnh mẽ và thái độ lạc quan, Hawking đã chiến đấu với căn bệnh trong nửa thế kỷ trước khi qua đời.
Khi được hỏi về tác động của khuyết tật đối với bản thân, Hawking cho biết:
“Tôi chấp nhận rằng có một số việc tôi không thể làm. Nhưng chúng chủ yếu là những việc tôi không thực sự muốn làm. Những việc tôi muốn làm, tôi dường như luôn thành công khi tập trung vào chúng.”
Nói về cuộc sống, ông từng nói: “Dù cuộc sống có tồi tệ đến đâu, vẫn luôn có điều gì đó bạn có thể làm và thành công. Chỉ cần bạn còn sống, bạn vẫn còn hy vọng”.
Hầu hết chúng ta đều rất may mắn khi không phải trải qua nỗi đau như Hawking đã trải qua. Nhưng ông vẫn có thể duy trì thái độ lạc quan đối với cuộc sống. Tại sao chúng ta không thể làm như vậy? Lạc quan không chỉ là một thái độ mà còn là một kỹ năng có thể rèn luyện được.
Bạn có thể tham khảo phương pháp tinh thần sau đây do các nhà tâm lý học tích cực gợi ý nhằm nuôi dưỡng sự lạc quan:
Khi gặp phải những điều không vui, bạn nên suy ngẫm và xem xét chúng một cách thích hợp để tránh lặp lại những sai lầm.
Tuy nhiên, nếu một người có thói quen suy nghĩ quá nhiều về bất hạnh, rơi vào vũng lầy của cảm xúc, người đó sẽ chỉ chìm sâu hơn và không thể thoát ra được.
Chúng ta phải luôn nhắc nhở bản thân thoát khỏi vòng luẩn quẩn của sự bi quan và tránh xa hố đen cảm xúc.
Theo Thepaper
Thủy Kiều