Cầu Rạch Dơi (nối huyện Nhà Bè, TPHCM với huyện Long Hòa, Long An), được xây dựng trước năm 1975 có chiều dài hiện hữu 128m, hiện đã cấm xe tải lưu thông do không bảo đảm khả năng chịu lực.
Người dân cho biết, mỗi lần có xe chạy qua, cầu sẽ rung bần bật, phát ra tiếng kêu chói tai, nhiều chi tiết rung lắc.
Do được xây dựng từ lâu, hàng ngày lại phải 'oằn mình' chịu lượng phương tiện qua lại khiến cầu Rạch Dơi ngày càng xuống cấp, một số đoạn sắt ở lan can, mặt cầu bị gỉ sét, trồi lên phía trên.
Thành cầu thấp nhưng phía dưới cầu, ghe, tàu, sà lan chất đầy cát. Hàng hóa liên tục qua lại khiến những người lưu thông qua đây nơm nớp lo sợ.
Chiều ngang cầu hẹp, các phương tiện khó khăn khi lưu thông nếu có ô tô di chuyển cùng lúc.
Khi có xe gặp sự cố, nhân viên trực gác phải ra tín hiệu để phương tiện ở chiều ngược lại không di chuyển, tránh tình trạng ùn tắc.
Bên cạnh việc xuống cấp, dưới chân cầu Rạch Dơi xuất hiện bãi rác tự phát khiến khu vực này nhếch nhác. Sau thời gian dài HĐND TPHCM thông qua chủ trương xây mới cầu Rạch Dơi nhưng chưa triển khai được, sở GTVT TPHCM vừa có đề xuất đưa dự án xây mới cầu này vào kế hoạch ưu tiên đầu tư từ nay đến 2030, với tổng vốn đầu tư khoảng 781 tỷ đồng. Cầu Rạch Dơi mới dài khoảng 452m, rộng 15m, phần đường dẫn dài khoảng 300m, rộng 29m.
Nằm cách cầu Rạch Dơi khoảng 2km, cầu Rạch Tôm cũng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nhưng phải gánh lượng lớn phương tiện lưu thông mỗi ngày.
Dự án xây mới cầu Rạch Tôm trên đường Lê Văn Lương được HĐND TPHCM thông qua từ cuối năm 2018 với tổng mức đầu tư gần 497 tỷ đồng, triển khai trong giai đoạn 2019 - 2021, nhưng hiện chưa thể 'chuyển động' do thiếu vốn.
Bản mặt cầu được lắp bởi tấm sắt, mỗi khi có xe chạy qua đều bị rung lắc mạnh. Hàng ngày, rất nhiều phương tiện lưu thông qua cầu, trong đó có học sinh của các trường tiểu học, trung học cơ sở.
Thành cầu, chân cầu cũng như lan can đều trong tình trạng xuống cấp, gỉ sét.
Giờ cao điểm, lượng phương tiện lưu thông qua cầu càng nhiều hơn, dễ xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ. "Những lúc xe đông hoặc vào ngày trời mưa, tôi cảm giác có thể sập cầu bất cứ lúc nào", chị Mai (bán hàng dưới chân cầu) chia sẻ
Nhân viên công ty cổ phần công trình cầu phà TPHCM có mặt trực ở các chốt, phân luồng giao thông để đảm bảo trật tự, cấm xe tải, ô tô con vào giờ cao điểm. Cầu Rạch Tôm cũng được đưa vào kế hoạch ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2030, với tổng mức đầu tư gần 497 tỷ đồng.
Trên tuyến đường Lê Văn Lương có 4 cây cầu sắt xây trước năm 1975. Tháng 9/2023, cầu Long Kiểng thông xe thay thế cho cầu sắt Long Kiểng cũ đã xuống cấp, sau 22 năm kể từ lúc lập dự án.
Cách đường Nguyễn Văn Linh 200m, cầu Rạch Đỉa trên đường Lê Văn Lương cũng đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Nếu đúng tiến độ, cuối năm 2026, trên đường Lê Văn Lương sẽ có thêm cầu Rạch Tôm và cuối năm 2028 là cầu Rạch Dơi mới.
Việc sớm thay thế những cây cầu sắt đã xuống cấp sẽ gia tăng kết nối liên vùng cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội cho toàn khu vực, đồng thời giảm thiểu tình trạng kẹt xe ở khu vực phía nam TPHCM.
Vị trí 4 cây cầu nằm trên đường Lê Văn Lương, kết nối cửa ngõ phía Nam TPHCM.
Đào Phương