Được xây dựng trước năm 1975, cầu Rạch Tôm và cầu Rạch Dơi (xã Hiệp Phước) là hai cầu sắt nằm ở cửa ngõ phía Nam TP.HCM.
Hiện nay, nhiều bộ phận trên hai cây cầu đã hoen rỉ, được cố định bằng dây thép, cầu rung lắc mạnh, phát ra các tiếng kêu lớn, khiến nhiều người dân lo lắng mỗi khi di chuyển qua đây.
Cầu Rạch Tôm (xã Hiệp Phước) - công trình giao thông trọng điểm trên tuyến đường Lê Văn Lương, kết nối TP.HCM với tỉnh Tây Ninh (trước đây là tỉnh Long An).
Cầu Rạch Tôm hiện hữu nhỏ hẹp nhưng mỗi ngày phải gánh một lượng lớn phương tiện lưu thông, kể cả xe tải, xe ô tô. Mỗi khi trời mưa, việc di chuyển qua cầu gặp nhiều khó khăn.
Tồn tại hơn 50 năm, mỗi khi có xe đi qua, cầu rung lắc mạnh, phát ra các tiếng kêu lớn dù ngày hay đêm.
Nhiều vị trí như thành cầu, chốt nối, bề mặt cầu, chân trụ đèn chiếu sáng đã hoen rỉ theo thời gian.
Ngày 10-7 vừa qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) phối hợp với Sở Xây dựng, Sở NN&MT, UBND xã Hiệp Phước cùng các đơn vị liên quan tổ chức khởi công dự án xây dựng cầu Rạch Tôm mới.
Dự án xây dựng cầu mới thay thế có tổng mức đầu tư gần 500 tỉ đồng. Dự án được Sở GTVT (nay là Sở Xây dựng) phê duyệt đầu tư ngày 31-10-2019.
Dự án có điểm đầu cách mố cầu cũ phía TP.HCM khoảng 320m, điểm cuối cách mố cầu cũ phía Tây Ninh (Long An cũ) khoảng 302m. Tổng chiều dài khoảng 684m, phần cầu dài 174m, phần đường dài 510m, mặt cắt ngang cầu 15m, với 4 làn xe cùng với hệ thống chiếu sáng, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật.
Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè (nay thuộc Sở NN&MT) và UBND xã Hiệp Phước đang tập trung triển khai các công tác liên quan để bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 30-9. Dự kiến cầu Rạch Tôm mới sẽ hoàn thành vào ngày 31-12-2026.
Khi cầu mới hoàn thành đưa vào khai thác sẽ thay thế cầu sắt hiện hữu đã xuống cấp, góp phần cải thiện tình hình giao thông khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cách cầu Rạch Tôm hơn 2km, trên trục đường Lê Văn Lương (xã Hiệp Phước), cầu Rạch Dơi cũng đang chung số phận. Hiện cầu đã xuống cấp nhưng thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân do mật độ phương tiện đông đúc, xe lưu thông liên tục.
Cầu Rạch Dơi là một trong những cây cầu được xây dựng hoàn toàn bằng sắt trước năm 1975.
Tương tự như cầu Rạch Tôm, cầu Rạch Dơi có không gian hẹp khiến các phương tiện di chuyển qua cầu gặp nhiều khó khăn.
Nhiều bộ phận trên cầu đã hoen rỉ, bị bào mòn do thời gian và mưa nắng.
Các xe ô tô, xe bán tải... mỗi lần di chuyển qua cầu phải chờ đèn tín hiệu.
Dù không phải giờ cao điểm nhưng khi việc di chuyển của các phương tiện vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều trường không kịp xử lý dẫn đến tình trạng ùn tắc ngay trên cầu. Các chủ phương tiện phải chủ động lùi xe để không làm tình hình giao thông thêm phức tạp.
Bà Bảy (67 tuổi, ngụ xã Hiệp Phước), cho biết vào giờ cao điểm, người dân đi làm qua đây là kẹt xe, còn bình thường chỉ cần ô tô chạy qua chạy lại nhiều là phải tránh nhau rất khó khăn. "Cây cầu sắt này vào mùa mưa thì đi lại cũng hồi hộp lắm, vì mặt cầu trơn trượt, chen chúc kẹt xe. Người dân nghe tin cầu mới sắp xây, ai cũng hồ hởi, vui mừng, mong rằng cầu mới xây dựng xong sớm cho bà con đi lại thuận tiện, tụi nhỏ đi học cũng đỡ vất vả" - bà Bảy tâm sự.
Hiện cầu Rạch Dơi đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, sau đó sẽ có kế hoạch khởi công xây dựng cầu mới thay thế cầu hiện hữu. Dự kiến cầu mới sẽ triển khai trong năm 2026, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng mới, thay thế toàn bộ 4 cầu yếu trên trục đường Lê Văn Lương.
Trên tuyến đường Lê Văn Lương tồn tại 4 câu cầu sắt được xây dựng trước năm 1975 gồm: cầu Rạch Đỉa, cầu Long Kiểng, cầu Rạch Tôm và cầu Rạch Dơi. Trong đó, cầu Long Kiểng và Rạch Đỉa đã được xây mới và đưa vào sử dụng vào năm 2023 và 2024.
Sau khi cầu Rạch Dơi được xây mới không chỉ giảm ùn tắc giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn từng bước thực hiện quy hoạch, phát triển giao thông vận tải cho TP.HCM và kết nối liên vùng với tỉnh Tây Ninh.
THUẬN VĂN
TRẦN LINH