2 cơ sở GDĐH cảnh báo về văn bản giả mạo chương trình trao đổi sinh viên

2 cơ sở GDĐH cảnh báo về văn bản giả mạo chương trình trao đổi sinh viên
4 giờ trướcBài gốc
Đại học Bách khoa Hà Nội vừa cảnh báo thông tin một văn bản được xác định là giả mạo về chương trình trao đổi sinh viên.
Theo văn bản này, chương trình trao đổi sinh viên tại The University of Arizona năm 2025-2026 là "thỏa thuận ký kết giữa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và The University of Arizona".
Văn bản này nêu, chương trình trao đổi tại Hoa Kỳ mang đến cho sinh viên cơ hội học tập và trải nghiệm một môi trường khác, chẳng hạn như tìm hiểu về lịch sử văn hóa, gặp gỡ những người bạn mới để làm phong phú thêm sự phát triển cá nhân của bản thân.
Ảnh: Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đối tượng tham gia mà văn bản trên đề cập bao gồm toàn thể sinh viên đại học, cao đẳng hệ chính quy, có học lực khá trở lên, tư cách đạo đức tốt và phải chứng minh tài chính.
Về việc chứng minh tài chính, yêu cầu sao kê điện tử chứng minh tài chính của bản thân (có thể thông qua hỗ trợ của gia đình) với mức tối thiểu 500 triệu đồng. Chứng minh cơ sở nằm trong top 5 có thể xét học thạc sĩ sau này.
Ngoài ra, văn bản này cũng nêu học bổng gồm vé máy bay khứ hồi và được miễn 100% học phí, được cung cấp một khoản tiền cho sinh hoạt phí (tiền ăn, tiền nhà ở, tiền bảo hiểm) và hỗ trợ tài liệu, vật dụng để học tập và nghiên cứu.
Sáng ngày 4/2, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thanh Huyền - Trưởng Ban Công tác sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, thông báo nêu trên là giả mạo con dấu của nhà trường và chữ ký của Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội.
"Văn bản trên yêu cầu sinh viên chứng minh tài chính tối thiểu 500 triệu đồng. Nhà trường không bao giờ có những văn bản như thế. Văn bản này là giả mạo", cô Huyền khẳng định.
Ngoài ra, theo cô Huyền, tất cả các chương trình trao đổi sinh viên của nhà trường sẽ được thông báo trên website (https://www.hust.edu.vn). Cô Huyền cũng nhìn nhận, các hành vi giả mạo hiện nay rất tinh vi, do đó, khi cần xác nhận thông tin, sinh viên và phụ huynh có thể liên hệ Ban công tác sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội thông qua số điện thoại, email hoặc website đã được công khai.
Cô Huyền cho rằng, văn bản giả mạo về "chương trình trao đổi sinh viên tại The University of Arizona năm 2025-2026" khá tinh vi, nếu không để ý kỹ càng thì có thể có người "dính bẫy".
Trong văn bản giả mạo đề cập "Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội", trong khi đó, trên thực tế là Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ngoài ra, nhà trường không có Phòng Đào tạo và Công tác sinh viên mà có Ban Đào tạo; Ban Công tác sinh viên.
Hiện tại, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã gửi hồ sơ vụ việc qua Cục An ninh chính trị nội bộ (A03). Đồng thời, tiến hành xác minh có trường hợp sinh viên nào "dính bẫy" lừa đảo qua văn bản giả mạo nêu trên hay không.
Trước đó, hồi tháng 1/2025, nhà trường cũng nhắc nhở, phát cảnh báo văn bản giả mạo có nội dung "Triển khai học bổng Đại học Bách khoa Hà Nội".
Theo thông tin đưa ra trong văn bản giả mạo, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ xét duyệt 5 suất học bổng, trị giá 30.000 USD cho sinh viên. Ngoài các giấy tờ cá nhân, văn bản yêu cầu đối tượng là sinh viên muốn đăng ký học bổng phải có chứng nhận tài sản, đảm bảo tài chính, sao kê ngân hàng (theo mẫu).
Ngày 4/2, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thông báo công khai về một văn bản chương trình trao đổi sinh viên quốc tế xác định là giả mạo.
Có thể thấy, nội dung thông tin trong văn bản giả mạo này tương tự trường hợp của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ảnh: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo văn bản trên, nội dung là thông báo chương trình trao đổi sinh viên tại National Yang Ming Chiao Tung University năm 2025-2026. Thời gian đào tạo từ tháng 6/2025 đến tháng 7/2026. Sinh viên muốn tham gia thì cần chứng minh tài chính. Hồ sơ tài chính yêu cầu sao kê điện tử chứng minh tài chính của bản thân (có thể thông qua sự hỗ trợ của gia đình) với mức tối thiểu là 200 triệu đồng. Chứng minh cơ sở nằm trong top 5 có thể xét học thạc sĩ sau này.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng, Phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, đây là văn bản giả mạo, nhà trường không ban hành văn bản trên và những văn bản có các nội dung tương tự.
Thầy Bình nhìn nhận, thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng đã phát đi những cảnh báo về trường hợp bị giả mạo với các chương trình tương tự.
"Các đối tượng này lợi dụng việc các trường có chương trình trao đổi sinh viên với các cơ sở đào tạo quốc tế để giả mạo văn bản có thể với mục đích lừa đảo. Nhà trường cũng đã có những cảnh báo với sinh viên trong quá trình học thông qua các email, buổi sinh hoạt công dân, các buổi tập huấn... Do đó, các em cần hết sức lưu ý, cảnh giác và cần bảo mật thông tin cá nhân", thầy Bình cho hay.
Trưởng phòng, Phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin thêm, các chương trình trao đổi, học bổng du học đều được nhà trường gửi thông tin qua các kênh chính thống từ phía nhà trường. Do vậy, các em sinh viên cần trao đổi lại và xác định thông tin chính xác từ phía nhà trường, tuyệt đối không cung cấp thông tin, không chuyển tiền cho các đối tượng lạ.
Thầy Bình cũng nhắn gửi, khi các em sinh viên nhận được thông báo tương tự, cần liên hệ trực tiếp đến nhà trường vì các thầy cô luôn sẵn sàng giải đáp thông tin một cách rõ ràng. Ngoài ra, bản thân các em cũng cần luôn nâng cao cảnh giác để phát hiện các hành vi lừa đảo, không có một văn bản chính thống nào mà diễn đạt lủng củng, không có liên hệ và nhiều lỗi như thế cả.
Thi Thi
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/2-co-so-gddh-canh-bao-ve-van-ban-gia-mao-chuong-trinh-trao-doi-sinh-vien-post248928.gd