Người dân làng nghề nấu rượu Phú Lộc (Cẩm Vũ, Cẩm Giàng) chỉ làm nghề nấu rượu, không nuôi lợn nên môi trường được cải thiện đáng kể
Theo UBND huyện Gia Lộc, đến cuối năm 2024, làng nghề Nghĩa Hy có 79 gia đình làm nghề da giầy (giảm 106 hộ so với năm 2019), trong đó có 27 hộ có đăng ký kinh doanh với 205 lao động. Các hộ sản xuất tại làng nghề chủ yếu hoạt động theo mô hình sản xuất nhỏ lẻ, quy mô nhỏ.
UBND xã Hoàng Diệu đã ký hợp đồng với Công ty CP Công nghệ môi trường An Sinh thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải da giầy (khoảng 800 kg của 4 làng nghề, trong đó có Nghĩa Hy). UBND xã cùng nhân dân đã đầu tư, cải tạo nhiều hạng mục, công trình, trong đó có hệ thống thoát nước. Đến nay, việc thu gom, xử lý chất thải tại làng nghề Nghĩa Hy đã cơ bản bảo đảm.
Rác ở làng nghề Nghĩa Hy (Hoàng Diệu, Gia Lộc) đã được thuê xử lý, nên không còn thải ra môi trường
Đến cuối năm 2024, làng nghề Phú Lộc có 56 hộ và 2 cơ sở sản xuất rượu với 137 lao động (giảm 224 hộ so với năm 2019).
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây, ngoài việc thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường, tăng cường tuyên truyền các hộ thực hiện phương án bảo vệ môi trường, UBND huyện Cẩm Giàng, UBND xã Cẩm Vũ đã cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, vận động các hộ không chăn nuôi trong khu vực dân cư.
Dù môi trường ở 2 làng nghề được cải thiện rõ rệt, nhưng việc thu gom, xử lý nước thải mới chỉ được xử lý sơ bộ bằng hệ thống bể tự hoại và bể biogas, chưa có hệ thống xử lý tập trung.
Khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Hải Dương đã đưa dự án thu gom, xử lý nước thải tại các làng nghề vào quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1639/QĐ-TTg ngày 19/12/2023.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa danh sách 47 làng nghề ô nhiễm môi trường trong cả nước và chỉ tiêu xử lý ô nhiễm môi trường cần đạt được theo Công văn số 2436/BTNMT-TCMT ngày 26/6/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hải Dương có 2 làng nghề trên.
PV