Lễ trao giải GRAMMY danh giá vừa diễn ra, thu hút sự quan tâm nồng nhiệt từ người hâm mộ âm nhạc toàn cầu. Beyoncé đã giành giải "Album của năm" với Cowboy Carter, nâng tổng số cúp GRAMMY của nữ ca sĩ lên 35, giúp bà xã JAY-Z trở thành nghệ sĩ sở hữu nhiều kèn vàng nhất trong lịch sử.
Kendrick Lamar cũng gây ấn tượng mạnh khi giành được 5 giải chỉ với một ca khúc - Not Like Us, bao gồm cả "Bài hát của năm" và "Bản thu âm của năm". Tuy nhiên, kết quả lễ trao giải năm nay lại khiến nhiều người bất ngờ khi Taylor Swift, Billie Eilish và Ariana Grande không giành được bất kỳ giải thưởng nào.
Bên cạnh đó, GRAMMY năm nay một lần nữa gây thất vọng cho cộng đồng người hâm mộ Kpop khi không có nghệ sĩ Hàn Quốc nào xuất hiện tại sự kiện hoặc biểu diễn, và quan trọng hơn là không một nghệ sĩ Kpop nào được đề cử. Đây là năm thứ hai liên tiếp mà các ngôi sao Hàn Quốc vắng bóng trong danh sách đề cử của GRAMMY, dù Kpop ngày càng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường âm nhạc toàn cầu.
Cho đến nay, BTS vẫn là nhóm nhạc Kpop duy nhất từng nhận đề cử tại GRAMMY trong ba năm liên tiếp từ 2021 đến 2023. Năm ngoái, các thành viên BTS như RM, J-Hope và Jimin đã gửi đề cử cho các sản phẩm solo của họ, trong khi Lisa của BLACKPINK cũng nộp sáu đề cử cho hai ca khúc ROCKSTAR và New Woman. Tuy nhiên, tất cả đều không nhận được bất kỳ đề cử nào, gây tiếc nuối lớn trong cộng đồng người hâm mộ. Điều này làm dấy lên nhiều câu hỏi về tiêu chí lựa chọn của GRAMMY và liệu giải thưởng có thực sự phản ánh được sự đa dạng của nền âm nhạc thế giới hay không.
Tờ USA Today cũng bày tỏ sự hoài nghi khi các nghệ sĩ Kpop không có mặt trong danh sách đề cử, dù họ ngày càng phổ biến và có sức ảnh hưởng lớn. Các nhóm nhạc như BLACKPINK, SEVENTEEN và Stray Kids đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, thậm chí tổ chức các tour diễn tại các sân vận động lớn ở Mỹ, nhưng vẫn bị GRAMMY phớt lờ. Điều này làm dấy lên tranh cãi về việc liệu các nghệ sĩ Kpop có đang bị đối xử thiếu công bằng trong ngành công nghiệp âm nhạc phương Tây hay không.
Một số chuyên gia cho rằng sự vắng mặt của các nghệ sĩ Kpop tại GRAMMY là do họ vẫn chưa đạt đến mức độ ảnh hưởng toàn cầu như BTS đã từng làm được. Họ nhận định: "Không có nhóm nhạc Kpop nào khác ngoài BTS từng được đề cử, và chưa ai đạt đến tầm vóc như họ. Dù Stray Kids và TXT đã có những bước tiến lớn, nhưng vẫn chưa đủ để được xem xét tại GRAMMY". Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ vẫn còn bảo thủ và chưa sẵn sàng công nhận Kpop như một phần không thể thiếu của nền âm nhạc đại chúng.
Ngoài ra, một cuộc tranh luận đã nổ ra về việc liệu Kpop có được coi là một thể loại âm nhạc riêng biệt hay không. Một số chuyên gia cho rằng, trong khi Latin pop và Afrobeats đã tự khẳng định được vị thế của mình, Kpop vẫn đang loay hoay trong việc được công nhận như một thể loại độc lập. Ở Mỹ, yếu tố biểu diễn - một phần quan trọng của Kpop vẫn chưa được các chuyên gia trong ngành công nhận là yếu tố quyết định cho một giải thưởng như GRAMMY. Điều này đặt ra câu hỏi liệu Kpop có cần thay đổi cách tiếp cận để phù hợp với tiêu chí của Viện Hàn lâm hay không.
Kpop là một phần quan trọng của Làn sóng Hallyu, mang văn hóa Hàn Quốc vươn ra thế giới. Thể loại này không chỉ kết hợp nhiều phong cách âm nhạc khác nhau mà còn nhấn mạnh vào trình diễn nhóm và vũ đạo đồng bộ. Dù Kpop ngày càng phổ biến và có một lượng người hâm mộ đông đảo trên toàn cầu, GRAMMY vẫn không xem xét mức độ phổ biến của một nghệ sĩ khi trao giải. Điều này có thể gây ra sự thiệt thòi cho các nghệ sĩ đến từ những nền văn hóa khác ngoài phương Tây.
Việc BTS từng ba lần được đề cử tại GRAMMY đã được xem như một kỳ tích, đặc biệt là với thành công vang dội của các ca khúc Dynamite và Butter. Nhà phê bình âm nhạc Lim Hee-yun nhận xét: "Một nhóm nhạc Kpop có ba đề cử GRAMMY quả thực là một điều hiếm có". Tuy nhiên, ngay cả BTS cũng chưa từng giành được giải thưởng nào, khiến nhiều người đặt câu hỏi về tiêu chuẩn đánh giá của GRAMMY.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cánh cửa GRAMMY đã khép lại với Kpop. Năm nay, Viện Hàn lâm đã khiến công chúng bất ngờ khi mời The Weeknd biểu diễn trở lại sau bốn năm bị chỉ trích và tẩy chay. Đây là dấu hiệu cho thấy họ đang nỗ lực thay đổi và lắng nghe ý kiến từ công chúng. Sự kiện này mang lại hy vọng rằng Kpop cũng sẽ có cơ hội được công nhận trong tương lai.
Bên cạnh đó, nhiều ngôi sao Kpop cũng đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng toàn cầu bằng cách phát hành các ca khúc tiếng Anh và tích cực quảng bá tại Mỹ. BLACKPINK, NewJeans và một số nhóm nhạc khác đã có những bước tiến đáng kể trên bảng xếp hạng Billboard, chứng minh rằng họ hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các nghệ sĩ quốc tế. Với những nỗ lực không ngừng, người hâm mộ tin rằng một ngày nào đó, Kpop sẽ tiếp tục ghi dấu ấn tại và nhận được sự công nhận xứng đáng.
Hoài Thương-CTV