2 người bị suy hô hấp, tổn thương gan thận nặng vì sốt mò mà không biết

2 người bị suy hô hấp, tổn thương gan thận nặng vì sốt mò mà không biết
2 giờ trướcBài gốc
Vừa qua, các bác sĩ khoa Hồi sức truyền nhiễm, bệnh viện TWQĐ108 cho biết đã tiếp nhận và điều trị thành công cho 2 bệnh nhân sốt mò biến chứng suy đa tạng.
Bệnh nhân vào viện với biểu hiện sốt dài ngày, tổn thương đa cơ quan: Suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương gan thận, ức chế tủy xương. Cả 2 trường hợp đã được điều trị tích cực từ tuyến dưới nhưng chưa tìm ra được căn nguyên vi sinh gây bệnh vì vậy điều trị không đáp ứng.
Các bệnh nhân chuyển lên điều trị tại khoa Hồi sức truyền nhiễm trong tình trạng suy đa tạng (suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan). Các bác sỹ đã khám và phát hiện vết loét do sốt mò điển hình, được điều trị kháng sinh đặc hiệu(Doxycyclin) và điều trị hỗ trợ suy tạng.
Sau điều trị, bệnh nhân đáp ứng tốt, hết sốt, các tạng hồi phục dần và được xuất viện sau 2 tuần điều trị.
Ảnh minh họa
Sốt mò là bệnh gì?
Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi Orientalis tsutsugamushi (một loại vi khuẩn thuộc họ Rickettsia và lây sang người thông qua ấu trùng mò thuộc họ Trombicula với tên gọi Leptotrombidium).
Các loại ấu trùng mò này thường có các ký chủ trung gian là những loài động vật gặm nhấm, đặc biệt chủ yếu là loài chuột, các loài chim hoặc gia súc, gia cầm.
Bệnh có đặc điểm lâm sàng là sốt kéo dài 2 – 3 tuần, kèm theo có vết loét trên da do côn trùng đốt, phát ban dạng sẩn và viêm hạch. Bệnh tiến triển từ nhẹ đến nặng và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu bệnh sốt mò, người dân cần cảnh giác
- Dịch tễ sống hoặc có đi đến những vùng rừng, núi nhiều cây cối rậm rạp, đây là những nơi có ấu trùng mò trú ẩn
- Sốt thời gian dài hay gặp từ 10 đến 14 ngày mà không có vị trí ổ nhiễm khuẩn rõ ràng
- Có sưng hạch vùng ngoại vi đặc biệt tại các vùng ẩm ướt như nách, bẹn. Kèm theo đó gần vị trí nổi hạch có vết loét điển hình do mò đốt (là vết loét có hình tròn hoặc hình bầu dục, nhẵn, bề mặt lõm, đóng vảy đen, không đau, không ngứa), tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp không phát hiện được vết loét
- Xét nghiệm công thức máu thấy số lượng tiểu cầu giảm
- Xét nghiệm enzyme gan transaminase tăng.
Ảnh minh họa
Biến chứng đáng sợ từ bệnh sốt mò
Đại tá, TS.BS.TTƯT Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện truyền nhiễm, kiêm Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B) – Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, biến chứng của sốt mò rất nguy hiểm kéo theo tổn thương đa tạng như:
- Viêm cơ tim, trụy tim mạch.
- Đông máu nội mạc rải rác.
- Viêm phổi nặng, suy hô hấp.
- Viêm não và màng não.
- Suy gan cấp, tăng men gan.
- Sốc nhiễm khuẩn.
- Suy thận.
- Xuất huyết nội tạng.
Cách phòng tránh bệnh sốt mò
- Hạn chế các hoạt động trong rừng núi khi không cần thiết. Nếu bắt buộc phải sống, làm việc trong điều kiện nguy cơ cao như vậy cần các biện pháp bảo vệ cơ thể như: mặc quần áo dài tay, mang bao tay, vớ che kín cơ thể.
- Phát quang bụi rậm quanh nhà, dọn sạch cỏ dại. Phun thuốc diệt ấu trùng mò. Diệt chuột và các loài gặm nhấm.
- Không nằm trên bãi cỏ hay vùng đất ẩm, không phơi quần áo trên bãi cỏ tránh ấu trùng mò bám vào.
M.H (th)
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/2-nguoi-bi-suy-ho-hap-ton-thuong-gan-than-nang-vi-sot-mo-ma-khong-biet-172241022151431413.htm