20 năm hành trình của phố cổ Hà Nội

20 năm hành trình của phố cổ Hà Nội
12 phút trướcBài gốc
Nhà Bát giác tại Không gian phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm được trang hoàng rực rỡ nhân dịp Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 năm 2024. Ảnh: Khánh Huy
Từ lịch sử
Ngược dòng về quá khứ, giai đoạn 1993-1995 là thời điểm bắt đầu dự án “Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát triển khu phố cổ Hà Nội” của Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn (Bộ Xây dựng). Từ năm 1999, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định về việc quản lý xây dựng, tôn tạo và bảo tồn khu phố cổ Hà Nội, làm cơ sở để bước đầu gắn quản lý kiến trúc khu phố cổ Hà Nội với quản lý trật tự xây dựng. Năm 2010, mừng đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đã triển khai dự án thí điểm, cải tạo mặt đứng một đoạn phố Tạ Hiện. Công trình được lát đá đưa vào sử dụng ngày 11/11/2011. Cũng từ năm 1999, nhiều dự án hợp tác bảo tồn, trùng tu nhà cổ trong khu phố cổ đã được thực hiện với đối tác nước ngoài, như TP Toulouse (Pháp) hỗ trợ trùng tu đình Đồng Lạc số 38 Hàng Đào; xã hội hóa dự án xóa bỏ, cải tạo xí thùng; cải tạo, nâng cấp hệ thống điện, nước, viễn thông; vùng Thủ đô Bruxelles (Bỉ) hỗ trợ nâng cao điều kiện sống cho người dân phố cổ thông qua việc bảo tồn, tôn tạo…
Năm 2004, khai trương phố đi bộ từ Hàng Đào đến Đồng Xuân gắn với chợ đêm Đồng Xuân. Cũng trong năm 2004, thêm nhiều công trình phố cổ đã được trùng tu theo kiến trúc truyền thống như nhà 19 Hàng Đồng, 51 Hàng Bạc, 135 Hàng Bạc, 105 Hàng Buồm… Năm 2006-2007, tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ chỉnh trang mái hiên, mái che, mái vẩy gắn với sự tham gia của cộng đồng vào quản lý kiến trúc, quy hoạch phố cổ…
Giai đoạn từ năm 2008 cho đến nay, thêm nhiều công trình nữa được giải phóng mặt bằng, cải tạo, trùng tu như đền Quan Đế, đình Kim Ngân, đình Phả Trúc Lâm, chùa Kim Cổ, đình Đông Thành, quán chùa Huyền Thiên, chùa Vĩnh Trù, Hội quán Phúc Kiến…
Khu phố cổ hiện còn lưu giữ được những nếp nhà với kiến trúc cổ, độc đáo, phản ánh đặc điểm địa lý và điều kiện sinh hoạt của người dân Thủ đô nói riêng, người Việt nói chung từ ngàn đời nay. Các tên phố thường là tên phường nghề, tên của các sản phẩm được người dân sản xuất và buôn bán từ xa xưa... Đây là nơi tập trung đông dân cư của Thủ đô với các tuyến phố kinh doanh tấp nập, nhộn nhịp.
Tái hiện đám cưới của người Hà Nội xưa trên phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Khánh Huy
Những không gian truyền thống trong lòng không gian hiện đại
Không chỉ là trung tâm kinh tế, khu phố cổ còn là một trung tâm văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, là “hồn cốt” của mảnh đất “Thăng Long - Hà Nội” nghìn năm văn hiến. Đây cũng chính là không gian diễn ra các sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng như các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Với mật độ công trình di tích cao nhất TP, khu phố cổ Hà Nội có hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu như: ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào, đền Bạch Mã, đình Kim Ngân 40 - 42 Hàng Bạc, di tích lịch sử cách mạng ở 48 Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập…
Các điểm di tích sau khi tu bổ, tôn tạo trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, điểm tổ chức giao lưu văn hóa nghệ thuật, triển lãm tranh, ảnh, tổ chức hội thảo, tọa đàm giới thiệu nghề truyền thống gắn với phố nghề, làng nghề, góp phần phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như Phố Sách 19/12, phố bích họa Phùng Hưng, 131 vòm cầu đá nam cầu Long Biên…
Theo cuốn Hà Nội Danh thắng và Di tích: khu “36 phố phường” xưa của Hà Nội là nơi tụ hội buôn bán, thợ thủ công nghiệp có tiếng của cả nước; do vậy nơi đây trở thành đặc trưng sự tài hoa của người kinh kỳ. Nghệ thuật, kỹ thuật xây dựng cổ truyền với các kiểu hệ vì kèo gỗ trang trí chạm khắc từ các công trình tôn giáo tín ngưỡng, đến nhà ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Kỹ thuật xây nhà với tường gạch chịu lực, với hệ san vỉa gạch trên dầm gỗ, hay trên dầm sắt - trần vôi trơn, mái ngói Tây...
Các nhà nghiên cứu đã có nhiều công trình khoa học khẳng định các giá trị của khu phố cổ là yếu tố quan trọng để nhận diện bản sắc văn hóa đô thị của Thủ đô. Các giá trị này không chỉ là những di tích, ngôi nhà cổ với những đặc thù về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc - với những dấu tích lịch sử mà còn là những giá trị văn hóa tồn tại bên trong từng ngôi nhà, từng gia đình, từng con người thông qua những nét sinh hoạt thường nhật, những hoạt động ẩm thực, lễ hội...
Nhận thức rõ khu vực này có giá trị đặc biệt, Đảng bộ và chính quyền quận Hoàn Kiếm đã xác định công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ là nhiệm vụ trọng tâm toàn bộ hệ thống chính trị và cả cộng đồng. Tính đến nay, khu phố cổ chứa đựng kho tàng giá trị vật thể với 121 di tích (bao gồm 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng, 8 di tích khác) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am… Cùng với giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn như hoạt động ẩm thực, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, lễ hội truyền thống… tất cả đã góp phần tạo dựng nên “dấu ấn Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến”.
Sự kiện "Đi xe đạp cùng áo dài kết nối di sản Hà Nội lần thứ 2" đi xe đạp qua các tuyến phố, những điểm di tích lịch sử - di sản của Hà Nội vào tháng 9/2024. Ảnh: Khánh Huy
Với kết quả đạt được từ tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân kết nối với chợ đêm Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm đã nghiên cứu và triển khai mở rộng không gian đi bộ sang khu bảo tồn cấp I. Từ đó tạo ra một khu vực không gian văn hóa du lịch mới, là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Nét đặc biệt của tuyến phố đi bộ mở rộng là những hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống và đương đại, những khu vực tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian cho trẻ em... Tính riêng trong giai đoạn 2015 đến nay, đã có hơn 7.000 buổi biểu diễn tại không gian đi bộ mở rộng. Không chỉ tổ chức các hoạt động truyền thống, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội đã và đang chủ động giới thiệu, quảng bá giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội với các đối tác nước ngoài và ở nước ngoài. Các hoạt động này đã góp quảng bá hình ảnh, giá trị khu phố cổ Hà Nội ở trong và ngoài nước, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị khu phố cổ Hà Nội, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thủ đô nói chung.
Thái Phương
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/20-nam-hanh-trinh-cua-pho-co-ha-noi-402065.html