Đoàn công tác Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và của tỉnh tặng quà cho hội viên tại huyện Quảng Điền
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 3940/QĐ-UB/ND ngày 22/11/ 2004, thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. Nhìn lại 20 năm xây dựng và trưởng thành của các cấp hội, đã khẳng định đây là một chặng đường phấn đấu không ngừng của các cấp hội, rất đáng được ghi nhận và trân trọng. Hiện nay, toàn tỉnh có Hội cấp tỉnh, 9 hội cấp huyện (100%); cấp xã, phường, thị trấn có 71 tổ chức (61 hội cơ sở, 10 ban liên lạc); thôn, bản có 142 chi hội. Toàn tỉnh có trên 3.200 hội viên đang sinh hoạt trong các tổ chức Hội.
Hội đã làm tốt công tác tham mưu, phản biện xã hội, phát hiện những vướng mắc, bất cập… trong thực hiện các chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam để kịp thời phản ánh đến các cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền giải quyết; tích cực tham gia rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị di chứng da cam/dioxin. Việc hình thành được hệ thống các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở là thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan liên quan trong tỉnh và cũng là tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp hội và nguyện vọng chính đáng của các nạn nhân chất độc da cam. Tổ chức hội các cấp thực sự là nơi để hội viên sinh hoạt, tâm tư, chia sẻ và động viên nhau vươn lên trong cuộc sống.
Công tác vận động nguồn lực được các cấp hội quan tâm đúng mức. Đã huy động được trên 11.090,15 triệu đồng để hỗ trợ cho 27.218 lượt nạn nhân chất độc da cam; làm mới 33 ngôi nhà tình nghĩa trị giá trên 2 tỷ đồng, sửa chữa 45 ngôi nhà với số tiền gần 575,0 triệu đồng; cho vay vốn để tạo sinh kế làm ăn không lãi suất cho 32 gia đình nạn nhân với số tiền 200 triệu đồng. Những ngày kỷ niệm luôn được lãnh đạo các cấp Hội tổ chức gặp mặt tọa đàm, thăm hỏi, tặng quà cho những nạn nhân da cam và gia đình họ. Việc thăm hỏi nạn nhân khi đau ốm, gia đình nạn nhân gặp khó khăn đột xuất được Hội quan tâm và là việc làm thường xuyên tại các cấp hội trong tỉnh.
Nhiệm vụ tuyên truyền được các cấp hội thực hiện nghiêm túc, kịp thời nhằm biểu dương, nhân rộng những gương nạn nhân điển hình, vượt khó tự vươn lên trong cuộc sống; sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả; tri ân các tấm lòng vàng có nhiều đóng góp trong việc hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh… Những hoàn cảnh khó khăn của gia đình nạn nhân cũng được truyền tải kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương để kêu gọi lòng hảo tâm của toàn xã hội. Nhiều phóng sự truyền hình, bài viết của hội viên được đánh giá cao về chất lượng và có sức lan tỏa. Việc triển khai phong trào hành động vì nạn nhân chất độc da cam, phong trào Chủ nhật xanh, phong trào bảo vệ môi trường, đảm bảo trật tự an toàn… luôn được các cấp hội phối hợp chặt chẽ với UBMTTQVN và chính quyền tại nơi hội viên sinh sống thực hiện. Sự phối hợp này được cấp ủy Đảng, chính quyền đồng thuận cao và tạo điều kiện cho các cấp hội hưởng ứng tham gia.
Tỉnh hội đã phối hợp chặt chẽ với Trung ương hội, các ngành liên quan tiếp xúc, làm việc với nhiều tổ chức từ thiện trong nước và ngoài nước để kêu gọi ủng hộ thêm nguồn lực giúp các gia đình nạn nhân vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Công tác đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong toàn tỉnh quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ. Ngoài ra, việc phổ biến chính sách mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước; những kỹ năng trong công tác hoạt động hội, tạo việc làm, sinh kế cho nạn nhân… được Tỉnh hội tổ chức bài bản, theo kế hoạch thông qua các buổi, hội thảo, tập huấn…
Nhìn lại 20 hoạt động của các cấp hội, kết quả đạt được tuy còn khiêm tốn, nhưng đã thể hiện sự quyết tâm rất cao của lãnh đạo các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở; là tấm lòng nghĩa tình, trách nhiệm đối với các nạn nhân da cam và gia đình họ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Hy vọng trong những năm tiếp theo, các cấp hội NNCĐDC/DIOXIN của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phát huy tốt hơn nữa những thành quả đã đạt được, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.
Mọi hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin không ngoài mục đích: “Tất cả vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin”; nỗi đau da cam là không chỉ của riêng ai; trách nhiệm đối với nạn nhân da cam thuộc về các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và của toàn xã hội.
Nguyễn Hữu Quyết