Hội thảo khoa học Quốc gia chủ đề “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai” nhằm làm rõ luận cứ khoa học và ý nghĩa lịch sử, qua đó đề xuất giải pháp phát huy giá trị chiến lược của kênh Vĩnh Tế trong thời kỳ phát triển và hội nhập. Hội thảo được sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hóa, an ninh - quốc phòng... ở các Viện, Trung tâm nghiên cứu, các trường Đại học, các cơ quan Trung ương và nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh An Giang.
Đồng chí Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang phát biểu tại hội thảo.
Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết, theo sử liệu triều Nguyễn, vào thời điểm này 200 năm trước, vua Gia Long có chiếu dụ về việc hoàn thành kênh đào Vĩnh Tế. Đây là công trình quy mô nhất thời bấy giờ với chiều dài 91 km, rộng 30 m, sâu 2,55 m, được thi công bằng sức người, trong thời gian 5 năm. Công trình kênh đào Vĩnh Tế là minh chứng cho sự sáng suốt, tài tình của các bậc tiền nhân trong chinh phục thiên nhiên, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, khai khẩn vùng đất phương Nam, phát triển kinh tế, bang giao và củng cố sức mạnh quốc phòng. Kênh Vĩnh Tế còn khẳng định thành tích lớn lao trong sự nghiệp của danh thần Thoại Ngọc Hầu và phu nhân Châu Thị Tế.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, trải qua 2 thế kỷ, kênh Vĩnh Tế luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện. Là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển, giao thương hàng hóa, đồng thời, kênh Vĩnh Tế còn là nơi cung cấp nước ngọt vun đắp phù sa cho ruộng đồng cả vùng tứ giác Long Xuyên. Trên hết, kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như một tuyến phòng thủ tự nhiên vững chắc để bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Kênh Vĩnh Tế là sản phẩm của tiền nhân để lại, chứa đựng tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính cấp bách như: Đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi trên trục chính là kênh Vĩnh Tế để tạo thuận lợi cho thương mại, tạo ra sự phồn thịnh cho khu vực; xây dựng thêm những hồ lớn để dự trữ nước ngọt cho toàn vùng nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho các tỉnh ĐBSCL. Bên cạnh đó, cần mở rộng hệ thống giao thông đường bộ gắn với đường thủy ở hai bên bờ kênh; nâng cấp và mở rộng các cửa khẩu, tăng cường kết nối giao thông, thương mại xuyên biên giới. Các đại biểu nhấn mạnh, cần củng cố hồ sơ để công nhận kênh Vĩnh Tế là Di tích cấp quốc gia và sau đó nâng lên thành Di sản thế giới.
Trần Lĩnh