Hội thảo khoa học quốc gia “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai” được UBND tỉnh An Giang phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức tại thành phố Châu Đốc với sự tham dự của các Bộ, Ngành Trung ương, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố và các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trên cả nước.
Theo báo cáo tại hội thảo, kênh Vĩnh Tế bắt đầu từ Châu Đốc đến Hà Tiên, với tổng chiều dài gần 91km, là một trong những công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng, phản ánh nỗ lực phi thường của người dân An Giang và vùng lân cận. Cách đây 200 năm, kênh Vĩnh Tế đã được khơi đào bằng sức lao động của hàng chục ngàn dân phu và binh lính, trong điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Từng đoạn kênh hoàn thành ghi dấu biết bao sự hy sinh, mất mát của các bậc tiền nhân, nhằm để lại lợi ích lâu dài cho các thế hệ con cháu ngày nay.
Hội thảo khoa học quốc gia “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai”
Hội thảo “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai” đã nhận được hơn 50 bài viết, báo cáo, tham luận của các nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý trong cả nước. Tuy nhiên, chỉ có một số tham luận bám sát mục tiêu Hội thảo nhiều nhất được chọn lựa để tác giả báo cáo trước Hội thảo.
Tại Hội thảo này, các đại biểu đã thảo luận để làm rõ vai trò lịch sử của kênh Vĩnh Tế đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh, quốc phòng ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Qua đó, đề ra những giải pháp nhằm phát huy giá trị kênh Vĩnh Tế cho khu vực trong tương lai.
Sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhà khoa học
Về Lĩnh Vực Quốc Phòng, An Ninh, Các Đại Biểu Cho Rằng, Kênh Vĩnh Tế Đóng Vai Trò Như Một Tuyến Phòng Thủ Tự Nhiên Vững Chắc Để Bảo Vệ Biên Giới Tây Nam Của Tổ Quốc. Kênh Vĩnh Tế Như Một Chiến Hào Nhân Tạo, Dài Và Rộng, Đủ Độ Sâu Cần Thiết Ngăn Chặn Âm Mưu Và Hành Động Xâm Lấn Của Đối Phương. Chẳng Những Khẳng Định Chủ Quyền Lãnh Thổ Mà Dòng Kênh Còn Là Một Thực Thể Hiển Nhiên Bảo Vệ Tổ Quốc, Bảo Vệ Cuộc Sống Yên Bình Của Nhân Dân.
Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Tham luận về vấn đề này, Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam cho rằng, nhìn nhận dưới góc độ hiện đại, nhất là việc bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện thế giới đang chứng kiến những cuộc chiến tranh với vũ khí công nghệ cao rất hiện đại; chúng ta tưởng rằng kênh Vĩnh Tế trở thành lạc hậu, nhưng theo tôi nó vẫn hiện hữu trong chúng ta.
“Thứ nhất, nó vẫn là biên giới tự nhiên, cùng với các đồn bốt ở biến giới của chúng ta trở thành lực cản với bất kỳ kẻ xâm lược nào, không thể vũ khí nào thay thế được cái đó; vì vậy vẫn phải sử dụng con người sử dụng vũ khí đó, tiến công như thế nào và phòng thủ như thế nào? Thứ 2, trong chiến tranh hiện đại vẫn phải dựa trên nền tảng và sức mạnh kinh tế; kênh Vĩnh Tế tồn tại và phát huy được thì nó sẽ phát triển vùng kinh tế Tứ Giác Long Xuyên và toàn bộ vùng đất Nam Bộ. Như thế thì đồng bào ta phát triển, văn hóa phát triển…và sức mạnh lòng dân sẽ trở thành sức mạnh thiêng liêng để bảo vệ Tổ quốc. Và hơn nữa, kênh Vĩnh tế còn như là điểm tựa ngoại giao trong thời các vua Gia Long, Minh Mạng..trước kia; và hiện nay nó vẫn được duy trì để làm nhiệm vụ giao thương giữa 2 nước, các nước trong khu vực và thế giới”. Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo khẳng định.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Các đại biểu cho rằng, kênh Vĩnh Tế không chỉ đóng vai trò như một tuyến phòng thủ tự nhiên vững chắc để bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, mà còn đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL.
Kênh Vĩnh Tế không chỉ có vai trò quan trọng trong việc tưới tiêu, cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, mà kênh Vĩnh Tế còn là tuyến giao thông thủy huyết mạch, kết nối các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và giao lưu văn hóa, đem lại nhiều nguồn lợi cho cư dân vùng.
Kênh Vĩnh Tế còn là tuyến giao thông thủy huyết mạch, kết nối các vùng
Kênh Vĩnh Tế là sản phẩm của tiền nhân để lại, chứa đựng tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính cấp bách như: Đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi trên trục chính là kênh Vĩnh Tế để tạo thuận lợi cho thương mại, tạo ra sự phồn thịnh cho khu vực; xây dựng thêm những hồ lớn để dự trữ nước ngọt cho toàn vùng nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho các tỉnh ĐBSCL. Bên cạnh đó, cần mở rộng hệ thống giao thông đường bộ gắn với đường thủy ở hai bên bờ kênh; nâng cấp và mở rộng các cửa khẩu, tăng cường kết nối giao thông, thương mại xuyên biên giới. Các đại biểu nhấn mạnh, cần củng cố hồ sơ để công nhận kênh Vĩnh Tế là Di tích cấp quốc gia và sau đó nâng lên thành Di sản thế giới.
Ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương, đơn vị, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã dành nhiều tình cảm, sự quan tâm, giúp đỡ quý báu đối với tỉnh An Giang trong suốt thời gian qua và đặc biệt là trong công tác chuẩn bị cho hội thảo.
“Hội thảo lần này, với tinh thần trách nhiệm, trí tuệ…các vị đại biểu, các nhà khoa học đã góp phần làm sáng tỏ chủ đề: “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai”. Các vị đại biểu cũng đã làm rõ luận cứ khoa học và ý nghĩa lịch sử của kênh Vĩnh Tế; và cũng đã đề xuất giải pháp phát huy giá trị chiến lược của kênh Vĩnh Tế trong thời kỳ phát triển và hội nhập”, ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang nhấn mạnh.
Phan Ánh/VOV-ĐBSCL