Các nhà giao dịch làm việc trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ). Nguồn: Reuters.
Cơn sốt tín dụng
Lạm phát giảm dần đã cho phép các ngân hàng trung ương hạ lãi suất, thúc đẩy các nhà đầu tư khóa chặt mức lợi suất tương đối cao hiện có và mang lại "năm của trái phiếu" sau khi 250 tỷ USD rời khỏi các quỹ thu nhập cố định vào năm 2022.
"Câu chuyện ở đây là sự thay đổi trong thu nhập. Chúng ta đang thấy thu nhập được đưa trở lại thu nhập cố định. Đây là mức lợi suất không xuất hiện trong gần 20 năm qua" - ông Vasiliki Pachatouridi, Giám đốc Chiến lược thu nhập cố định EMEA iShares tại BlackRock cho biết.
Lợi suất trái phiếu có xu hướng giảm và giá tăng khi các ngân hàng trung ương giảm chi phí vay ngắn hạn. Mặc dù lợi nhuận trên chỉ số trái phiếu toàn cầu ICE BofA vẫn ở mức trung bình khoảng 2% trong năm nay, nhưng lợi suất chào bán đã vượt mức 4,5% vào cuối năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Theo nhà cung cấp dữ liệu tài chính EPFR, tính đến giữa tháng 12, 617 tỷ USD đã chảy vào các quỹ trái phiếu tại các thị trường phát triển và mới nổi, vượt mức 500 tỷ USD của năm 2021 và đưa năm 2024 đi đúng quỹ đạo để trở thành một năm kỷ lục.
Trong khi đó, cổ phiếu đã thu hút 670 tỷ USD dòng vốn vào khi các chỉ số ở Mỹ và châu Âu đạt đến những đỉnh cao mới. Các quỹ thị trường tiền tệ tương đương tiền mặt - tự hào có lợi suất cao và ít rủi ro - đã hoạt động tốt nhất, thu hút hơn 1.000 tỷ USD.
Trái phiếu doanh nghiệp - mang lại lợi suất cao hơn so với trái phiếu chính phủ tương đương - đã chứng minh được sự phổ biến đặc biệt, tăng giá khi các công ty vượt qua được mức tăng lãi suất của ngân hàng trung ương.
Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu ICE BofA đã giảm xuống mức thấp nhất so với trái phiếu chính phủ không rủi ro kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007. "Trước khi lãi suất bắt đầu tăng lên cách đây vài năm, rất nhiều công ty đã khóa chặt nguồn vốn của mình trong một thời gian dài. Do đó, tác động của chi phí vay tăng đối với các công ty ít hơn nhiều so với dự kiến . Đồng thời, rất nhiều công ty kiếm được nhiều tiền hơn từ lượng tiền mặt mà họ nắm giữ" - ông Willem Sels, Giám đốc đầu tư toàn cầu tại ngân hàng tư nhân HSBC cho biết.
Dòng tiền có thể chậm lại
Theo dữ liệu của Morningstar Direct, các nhà đầu tư đã thể hiện rõ sự ưa thích đối với các quỹ giao dịch trên sàn giao dịch thụ động (ETF), vốn đang trên đà đạt kỷ lục trong năm 2024 với 350 tỷ USD dòng tiền chảy vào cuối tháng 11.
"ETF giúp các nhà đầu tư tiếp cận một số tài sản trước đây khó giao dịch hơn, bao gồm cả trái phiếu. Ví dụ, trái phiếu doanh nghiệp nổi tiếng là không thanh khoản, trong khi ETF cung cấp khả năng tiếp cận dễ dàng với thị trường này hơn nhiêu ở dạng thanh khoản" - ông Martin Oehmke, Giáo sư tài chính tại Trường Kinh tế London cho biết.
Hai công ty quỹ thụ động lớn nhất là BlackRock và Vanguard đã gặt hái được những lợi ích. Theo ước tính của Morningstar Direct, hoạt động kinh doanh ETF iShares của BlackRock đã thu hút 111 tỷ USD vốn đầu tư từ tháng 1 đến cuối tháng 10, trong khi Vanguard thu hút được khoảng 120 tỷ USD, phần lớn trong số đó được chuyển vào hoạt động kinh doanh chỉ số thụ động của công ty. Công ty PIMCO - vốn nổi tiếng với hoạt động quản lý chủ động - cũng đã có một năm thành công. Theo Morningstar, công ty đã thu hút khoảng 46 tỷ USD vào các quỹ trái phiếu của mình, sau khi đã cắt giảm khoảng 80 tỷ USD vào năm 2022.
Một số yếu tố có thể khiến dòng tiền chảy vào chậm lại vào năm 2025. Chương trình nghị sự cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã khiến cổ phiếu Mỹ tăng vọt và dòng tiền chảy vào cổ phiếu tăng vọt, hạn chế sức hấp dẫn của trái phiếu.
Dữ liệu từ EPFR và TD Securities cho thấy, 117 tỷ USD đã chảy vào các quỹ cổ phiếu Mỹ trong 4 tuần sau chiến thắng của ông Trump vào ngày 5/11, gấp hơn 4 lần so với 27 tỷ USD vào trái phiếu toàn cầu.
Trong khi đó, các nhà đầu tư hoài nghi rằng trái phiếu doanh nghiệp có thể tăng giá nhiều hơn nữa sau thành tích mạnh mẽ của năm nay. "Có vẻ rất khó để tiếp tục kỳ vọng chênh lệch sẽ thắt chặt hơn nữa và tôi không tin rằng lợi suất trái phiếu sẽ thấp hơn nhiều so với mức hiện tại" - ông Carl Hammer, Giám đốc phân bổ tài sản toàn cầu tại ngân hàng Thụy Điển SEB cho biết.
Chuyên gia John McAuley - Giám đốc phụ trách thị trường trái phiếu của Citi Bank khu vực Bắc Mỹ cho rằng, dù trái phiếu doanh nghiệp là một kênh đầu tư và huy động vốn đang ngày càng phát triển, nhưng hoạt động này cũng có những bất cập và đối mặt với không ít rủi ro. Vấn đề đầu tiên, quan trọng hàng đầu, là chất lượng tín dụng. Mọi doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đều đối mặt với rủi ro tín dụng hoặc kịch bản vỡ nợ tiềm tàng. Đó là khi một doanh nghiệp sẽ không thể thanh toán đúng hạn lãi hoặc gốc, dẫn tới vỡ nợ trái phiếu.
Bất ổn thị trường cũng là một rủi ro không nhỏ. Theo giới chuyên gia kinh tế, trái phiếu doanh nghiệp thường có lợi suất cao hơn, song cũng đồng nghĩa là nhà đầu tư phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn.
Theo ông Jeffrey MacDonald, Giám đốc điều hành và là người đứng đầu bộ phận chiến lược tại Fiduciary Trust Company International có trụ sở ở New York (Mỹ), đối với các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, việc xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng tiềm lực, tình hình tài chính, triển vọng kinh doanh và khả năng trả nợ của doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, đôi khi quyết định tới thành bại của hoạt động đầu tư bởi vì trái phiếu doanh nghiệp thường không được đảm bảo bằng tài sản thế chấp, mà chỉ bằng niềm tin và cam kết.
Hà Anh