Nguồn cung nhà ở xã hội đang rất khan hiếm. Ảnh: Dũng Minh.
Nguồn cung tăng dần
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nếu như năm 2024 cả nước chỉ có 108 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, tương ứng với 47.532 căn hộ, thì năm 2025 dự kiến sẽ có 135 dự án được triển khai với gần 101.900 căn nhà ở xã hội, tăng 2,1 lần.
Trong đó, riêng tại Hà Nội có khoảng 11 dự án nhà ở xã hội sẽ hoàn thành, cung cấp gần 6.000 căn hộ, tương đương 345.000 m2 sàn xây dựng. Ngoài ra, thông tin từ Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, 4/5 dự án được Sở hoàn thành lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư tập trung tại 2 huyện Đông Anh và Gia Lâm với quy mô hơn 200 ha đất, tương đương khoảng 12.300 căn hộ.
Thực tế, ngay những ngày đầu năm 2025, nhiều dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội công bố đủ điều kiện bán căn hộ cho thuê sau 5 năm như Khu nhà ở xã hội Phú Lãm (quận Hà Đông), Khu nhà chung cư cao tầng CT2A (thuộc Khu nhà ở Thạch Bàn, quận Long Biên), Khu nhà ở xã hội Hạ Đình (thuộc Khu đô thị mới Hạ Đình, quận Thanh Xuân)…
Về giá bán, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2024, giá căn hộ chung cư tại một số đô thị lớn tiếp tục tăng cao, chẳng hạn tại Hà Nội tăng khoảng 40-50% so với năm 2023, thậm chí tăng cao hơn ở một số khu vực, dự án.
Trong đó, phân khúc bình dân trước đây có giá dưới 30 triệu đồng/m2 nay tăng lên 45 triệu đồng/m2, phân khúc trung cấp từ 30-45 triệu đồng/m2 tăng lên 45-70 triệu đồng/m2, phân khúc cao cấp từ 50-70 triệu đồng/m2 tăng lên 70-100 triệu đồng/m2, phân khúc siêu sang xuất hiện một số dự án có giá bán trên 200 triệu đồng/m2.
Dữ liệu thống kê của CBRE Việt Nam cũng chỉ ra rằng, tính đến quý IV/2024, giá bán sơ cấp căn hộ chung cư tại Hà Nội đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và tăng 12% so với quý liền trước - là mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây.
TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đưa ra cảnh báo, nếu tình trạng mất cân đối trong cơ cấu nguồn cung nhà ở tiếp tục diễn ra mà không có sự can thiệp kịp thời, thị trường sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy như tạo ra nguy cơ “bong bóng” bất động sản, làm gia tăng bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận nhà ở, gây áp lực lên an sinh xã hội… Do đó, việc bổ sung nguồn cung mới là rất cần thiết để điều tiết lại thị trường.
Còn PGS-TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho hay, giá bất động sản tại các thành phố lớn đã neo rất cao mà vẫn chưa có dấu hiệu ngừng tăng, xuất phát từ một số nguyên nhân: Người mua nhà không chỉ để ở mà còn là một kênh tích lũy tài sản, tạo ra một vòng xoáy “giá càng tăng thì càng nhiều người mua và giá lại càng tăng”; vướng mắc thủ tục pháp lý chậm được tháo gỡ ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án cũng như đưa nguồn cung mới ra thị trường, trong khi nhu cầu nhà ở không ngừng tăng lên và kéo tăng giá nhà.
Nhiều yếu tố hỗ trợ tăng cung
Năm 2025, nguồn cung căn hộ sơ cấp cho cả 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM dự báo khoảng 40.000 căn, nhưng nếu so với con số ước tính khoảng 200.000 người có nhu cầu về nhà ở gia tăng tại 2 địa phương này mỗi năm, thì rõ ràng nguồn cung này còn rất khiêm tốn. Đó là chưa kể, các loại chi phí đầu vào phát triển dự án như chi phí tài chính, chí phí đất đai... đều tăng cao, ảnh hưởng đến việc điều tiết giá nhà.
Ô đất NO1 thuộc Khu đô thị mới Hạ Đình (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) được khởi công xây dựng nhà ở xã hội cuối năm 2024. Ảnh: Dũng Minh.
Tuy nhiên, Chính phủ đã xác định rõ nguyên nhân nội tại của thị trường nằm ở vấn đề nguồn cung, nên quyết tâm phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, hồi giữa tháng 12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 130/CĐ-TTg về việc đôn đốc, tập trung chỉ đạo để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch Hội đồng quản trị G6 Group đánh giá, những nỗ lực của Chính phủ sẽ giúp nguồn cung nhà ở xã hội tăng mạnh trong thời gian tới và đóng vai trò quan trọng trong việc giải bài toán nguồn cung nhà ở thu nhập thấp của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn. Nhờ đó, giá căn hộ chung cư sẽ “hạ nhiệt”, thị trường địa sẽ trở nên lành mạnh hơn.
Bên cạnh đó, hiện nay, việc khơi thông cơ chế cho 3 loại quỹ đất hình thành nhà ở xã hội cũng mở ra nhiều cơ hội cho phân khúc này: Một là, đến từ các chủ đầu tư gom đất ruộng để xây nhà ở xã hội và đang có khoảng vài chục dự án đã được chấp thuận chủ đầu tư; hai là, đến từ quỹ đất trước đây phải dùng 20% quỹ đất trả cho thành phố để tạo nhà ở tái định cư và từ năm 2019 chuyển sang nhà ở xã hội; ba là, đến từ 20% quỹ đất trong dự án phát triển nhà ở thương mại, hiện Hà Nội có hàng chục dự án dạng này.
Ở một góc độ khác, liên quan đến câu chuyện tín dụng, hồi cuối tháng 12/2024, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn số 55/NHNN-TD gửi tới 9 ngân hàng thương mại về việc triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong đó, thông tin đáng chú ý là hạn mức tín dụng của gói 120.000 tỷ đồng (nay tăng lên 145.000 tỷ đồng) sẽ không tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm.
Chính sách này sẽ áp dụng đến năm 2030, với điều kiện doanh số cho vay không vượt quá số tiền cam kết ban đầu của các ngân hàng. Quy định này giúp các ngân hàng có đủ dư địa hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội, mà không bị ràng buộc bởi giới hạn “room” tín dụng.
Đầu tuần trước, đẩy mạnh giải ngân tín dụng cho kế hoạch phát triển nhà ở xã hội là một trong những thông điệp quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại cuộc gặp mặt đầu năm với Ngân hàng Nhà nước.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, thời gian tới, cơ quan này sẽ thực hiện nghiêm quy định về việc dành quỹ đất làm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.
Đồng thời, nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền quy trình giải quyết các thủ tục liên quan đến dự án nhà ở xã hội phù hợp; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội.
“Bộ sẽ khẩn trương đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các chủ đầu tư khác thực hiện”, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Trang Ninh