Năm 2024, sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực
Nông nghiệp là điểm tựa
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chiều 27/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp năm 2024 đã đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có tác động của cơn bão số 3. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực; nổi bật là kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục hơn 62 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 3,2%.
Đặc biệt, một số ngành hàng đã có bước phát triển vượt bậc, đạt mức xuất khẩu kỷ lục mới và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, như: rau quả (7,12 tỷ USD, tăng 27,1%), gạo (xuất khẩu trên 9 triệu tấn, đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 23%), cà phê (gần 5,5 tỷ USD, tăng 29,1%)...
Năm 2024, toàn ngành nông nghiệp đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân bằng những giải pháp hiệu quả để vừa ứng phó với biến động, vừa duy trì và phát triển sản xuất. Nhờ đó, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích hợp đa giá trị, nâng cao hiệu quả, gắn liền với thị trường, tăng tỷ trọng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao, đồng thời đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Nông nghiệp Việt Nam không chỉ bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia mà còn hội nhập quốc tế sâu rộng. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đã mở rộng thị trường, góp phần khẳng định vị thế quan trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
Cụ thể, giá trị sản xuất (GRDP) toàn ngành đạt mức tăng trưởng ước đạt 3,3%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 58%. Cơ cấu kinh tế ngành và cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích hợp đa giá trị, nâng cao hiệu quả, gắn liền với thị trường, tăng tỉ trọng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao.
Ngành nông nghiệp đã chuyển đổi mạnh mẽ tư duy sang kinh tế xanh, nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng sản phẩm; Đồng thời, ngành đã tăng cường áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững, hữu cơ. Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" đã được triển khai có hiệu quả.
Năm 2025, ngành nông nghiệp cần đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn
Bước sang năm 2025, cột mốc quan trọng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành từ 3,4% đến 3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 64-65 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80,5-81,5%; và tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42,02%...
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xác định rõ các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, tập trung vào việc kiến tạo không gian phát triển, thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, việc đẩy mạnh cơ cấu lại Ngành, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh là ưu tiên hàng đầu. Bộ cũng đặt mục tiêu vượt mức tăng trưởng đề ra.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương những kết quả ấn tượng của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong năm 2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai là thành tích nổi bật của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhất là công tác phục hồi sau bão Yagi - một thử thách lớn nhưng cũng là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm và sự chỉ đạo hiệu quả của các ngành, các cấp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, 2025 là năm tăng tốc và bứt phá; nếu không tăng tốc và bứt phá chúng ta sẽ thụt lùi. Năm 2025, ngành nông nghiệp cần đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, từ 3,5 - 4%; xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 70 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ những nút thắt về thể chế, cơ chế chính sách để phát triển ngành nông nghiệp nhanh và bền vững. Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cần đẩy mạnh hơn nữa về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để phục vụ phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo. Đồng thời, tích cực phối hợp với các địa phương tháo gỡ được “thẻ vàng” IUU.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Bộ trưởng đồng thời khẳng định nghiêm túc tiếp thu các chỉ đạo của Thủ tướng.
“Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ có những giải pháp cụ thể triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng giao trong năm 2025. Toàn ngành sẽ quyết tâm thực hiện việc đảm bảo an ninh lương thực trong cả nước và xuất khẩu, tiếp tục là “trụ đỡ” vững chắc cho nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết.
Hồng Hạnh