2025: Thời điểm quyết định cho hành động vì khí hậu

2025: Thời điểm quyết định cho hành động vì khí hậu
2 ngày trướcBài gốc
Khôi phục vị thế của các chính sách khí hậu
Trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu, những gián đoạn chính trị và xung đột đang diễn ra ở dải Gaza, cuộc xung đột kéo dài Nga - Ukraine... khiến thế giới phải định hình lại các ưu tiên quốc tế, đã làm dấy lên mối lo ngại về tương lai của hợp tác toàn cầu về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thêm vào đó, tương lai của chính sách khí hậu tại Mỹ tiếp tục trở nên bất định hơn, đặc biệt sau khi ông Donald Trump tái đắc cử. Việc rút khỏi Thỏa thuận Paris lần thứ hai và hủy bỏ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) có thể cản trở lộ trình phi carbon hóa của Mỹ. Trong khi đó, trên khắp châu Âu, bất ổn chính trị ở Đức, Pháp và các nền kinh tế lớn khác có thể làm xói mòn sự thống nhất về các mục tiêu khí hậu của khối. Và tại Vương quốc Anh - quốc gia đặt ra chính sách công nghiệp đầy tham vọng, bao gồm việc ủng hộ hydro làm nền tảng cho quá trình phi carbon hóa; song ngân khố công của quốc gia này vẫn đang chịu áp lực tài chính, có khả năng hạn chế động lực thúc đẩy sự hào phóng trong công nghiệp của chính phủ mới.
Các chuyên gia nhận định rằng, việc bảo đảm tính liên tục của các chính sách về khí hậu sẽ rất quan trọng để hỗ trợ tiến trình phát triển bền vững đang diễn ra ở cả khu vực công và tư nhân. Các chính phủ phải ưu tiên bảo vệ các cam kết quốc gia hiện có và tiếp tục hỗ trợ các diễn đàn quốc tế nhằm phi chính trị hóa hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Giải quyết bất bình đẳng kinh tế
Để đạt được tiến bộ về khí hậu cũng như các mục tiêu biến đổi khí hậu, việc giải quyết bất bình đẳng kinh tế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trong hai thế kỷ qua, các nước đang phát triển luôn phải chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu thông qua các sự kiện thời tiết khắc nghiệt hay mực nước biển dâng cao.
Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đã nhấn mạnh đến sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các giải pháp giảm thiểu và thích ứng với khí hậu. Trong khi các nền kinh tế thu nhập cao có thể tận dụng các công nghệ xanh để đạt được những tiến bộ về khí hậu, thì các quốc gia đang phát triển phải vật lộn vì khả năng tiếp cận hạn chế với nguồn tài trợ, công nghệ và cơ sở hạ tầng. Việc phân bổ không đồng đều tài chính và công nghệ khí hậu khiến nhiều khu vực không có đủ khả năng để ứng phó với những tác động ngày càng tăng của khí hậu.
Những chủ đề phát triển bền vững quan trọng trong năm 2025. Nguồn: Getty Images
Hơn nữa, thế giới, đặc biệt là các quốc gia chịu tổn thưởng đều đang mong chờ phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) vào năm 2025, nhằm làm rõ trách nhiệm pháp lý của các quốc gia trong việc đối phó với biến đổi khí hậu; một số quốc gia dễ bị tổn thương đang lập luận rằng, các quốc gia có lượng phát thải cao từ trước đến nay có nghĩa vụ pháp lý phải có trách nhiệm bảo vệ hệ thống khí hậu cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Phán quyết có thể cung cấp một khuôn khổ pháp lý để giải quyết bất bình đẳng về khí hậu và đẩy nhanh tiến trình toàn cầu.
Bà Nikki Reisch - Giám đốc Chương trình Khí hậu và Năng lượng tại Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế nhận định: “Sức mạnh của phán quyết ICJ không chỉ nằm ở khả năng thực thi mà còn ở thông điệp rõ ràng mà nó gửi đến các tòa án trên toàn thế giới, giúp định hình nghĩa vụ pháp lý của các quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.”
Ngoài những hạn chế về tài chính, bất bình đẳng còn thúc đẩy bất ổn chính trị và xã hội, làm suy yếu thêm khả năng hợp tác của các quốc gia trong các sáng kiến khí hậu toàn cầu. Do đó, việc giải quyết bất bình đẳng là rất quan trọng để cải thiện sinh kế ở các quốc gia thu nhập thấp, cũng như tạo điều kiện cho sự hợp tác cần thiết để giải quyết các thách thức về tính bền vững toàn cầu.
Với những nỗ lực tích hợp công bằng vào các chính sách về khí hậu ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế sẽ là tiền đề để thúc đẩy lòng tin và sự hợp tác tại COP30 sắp tới.
Tài trợ khí hậu và Quỹ tổn thất và thiệt hại
Mục tiêu định lượng tập thể mới (NCQG) về tài chính khí hậu, đã được các nước tham gia nhất trí tại COP29, dự kiến phân phối 300 tỷ USD tiền tài trợ khí hậu từ các quốc gia giàu có hơn cho các quốc gia đang phát triển hàng năm vào năm 2035. Mặc dù con số này được cho là còn quá ít so với mục tiêu hàng nghìn tỷ đô la cần thiết, nhưng động thái này báo hiệu sự chú ý ngày càng tăng về nhu cầu phải có các biện pháp phân phối lại để cân bằng “sân chơi khí hậu”.
Quỹ tổn thất và thiệt hại (LDF) nhằm mục đích thiết lập hỗ trợ tài chính, giúp cho các quốc gia đang phát triển phục hồi sau các sự kiện thời tiết khắc nghiệt và các tác động khác của khí hậu, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025. Trong bối cảnh các sự kiện thời tiết khắc nghiệt diễn ra thường xuyên hơn, đã làm nổi bật nhu cầu cấp thiết về các quỹ như vậy. Tuy nhiên, nếu không có các cam kết tài chính mới, tác động của quỹ có thể bị hạn chế.
Thêm vào đó, Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) là mục tiêu quốc gia nhằm giảm phát thải khí nhà kính, là nền tảng của tiến trình khí hậu toàn cầu. NDC dự kiến sẽ được cập nhật vào năm 2025 để cung cấp thông tin cho các cuộc thảo luận tại COP30. Tuy nhiên, các nước đang phát triển sẽ gặp khó khăn trong việc tăng cường tham vọng phi carbon hóa nếu không có sự hỗ trợ tài chính. Do đó, các chuyên gia tin rằng, vào năm 2025, sẽ có sự giám sát chặt chẽ về việc liệu NCQG và LDF có thành công hay không? và mức độ hiệu quả của các khoản đầu tư của khu vực tư nhân có thể bổ sung cho nguồn tài chính công cho quá trình phi carbon hóa một cách công bằng như thế nào?
Cơ hội và rủi ro của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với tính bền vững
Trí tuệ nhân tạo (AI) được đánh giá đang cách mạng hóa phần lớn các ngành công nghiệp bởi khả năng phân tích lượng dữ liệu khổng lồ và hoàn thành nhiều nhiệm vụ phức tạp theo cách tương tự như con người, thậm chí có thể hiểu rõ và phần nào giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu.
Khả năng áp dụng AI bền vững là theo cấp số nhân. Trên thực tế, việc sử dụng AI có thể giảm 4% phát thải khí nhà kính (GHG) trên toàn thế giới vào năm 2030. Khi AI đáp ứng tính bền vững là cơ hội để tận dụng công nghệ để giảm chất thải, tối ưu hóa tài nguyên, tăng hiệu quả và cải thiện hiệu quả ra quyết định thông qua phân tích dữ liệu gần như theo thời gian thực.
Các nhà quan sát đã đề xuất nhiều cơ hội để áp dụng các phương pháp AI nhằm giảm thiểu tác động đến khí hậu và thiên nhiên, bao gồm cải thiện hiệu quả của lưới điện, tối ưu hóa mạng lưới giao thông và chuỗi cung ứng, cũng như giám sát các nỗ lực bảo tồn. AI cũng có thể được sử dụng trong mô hình khí hậu và nghiên cứu biên giới, để mở rộng hiểu biết của con người về các hệ thống khí hậu và thúc đẩy sự phát triển trong dự báo thời tiết, qua đó giúp giảm thiểu một số tác động xã hội và kinh tế do các sự kiện thời tiết bất thường gây ra.
Mặc dù AI có thể đóng vai trò trong việc thúc đẩy tính bền vững, tuy nhiên bất kỳ lợi ích nào cũng đi kèm với các rủi ro tiềm ẩn; các giải pháp nêu trên vẫn chỉ mang tính lý thuyết tại thời điểm này và quy mô lợi ích mà chúng có thể mang lại vẫn chưa được rõ ràng. Hơn nữa, việc sử dụng AI đòi hỏi phải có hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ, trung tâm dữ liệu chứa đầy các dãy máy tính đòi hỏi một lượng lớn tài nguyên, bao gồm điện, nước và khoáng sản quan trọng.
Các chuyên gia nhận định, ngành công nghiệp AI sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa vào năm 2025 và những tác động của nó đối với tính bền vững sẽ trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, chính phủ các nước và những người đứng đầu ngành phải bảo đảm rằng, lợi ích bền vững của AI phải lớn hơn tác động của nó và cần phải theo dõi chặt chẽ tác động của AI đối với khí hậu và thiên nhiên. Những kỹ sư phần mềm được khuyến cáo phải hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học về khí hậu nhằm bảo đảm sự cân bằng, hài hòa. Qua đó, thế giới có thể thấy việc áp dụng các tiêu chuẩn và sáng kiến bền vững chặt chẽ hơn, chẳng hạn như bắt buộc sử dụng năng lượng sạch cho các trung tâm dữ liệu và các nỗ lực nghiên cứu có mục tiêu vào các mô hình AI sử dụng ít tài nguyên, cũng như triển khai tốt nhất các công nghệ AI cho các mục tiêu bền vững.
Châu Anh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/2025-thoi-diem-quyet-dinh-cho-hanh-dong-vi-khi-hau-post401196.html