Mỹ cắt giảm 10.000 việc làm trong ngành y tế. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Đơn kiện được đệ trình ngày 1/4 nhằm vào Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ và Bộ trưởng Robert F. Kennedy Jr. Với vụ kiện này, giới chức các bang đang tìm kiếm một lệnh cấm tạm thời và ngay lập tức để ngăn chặn việc cắt giảm ngân sách, điều mà họ cho rằng sẽ gây ra gián đoạn các dịch vụ y tế công cộng quan trọng và khiến nhiều nhân viên y tế mất việc.
Người đứng đầu cơ quan tư pháp bang California Rob Bonta cho biết việc cắt giảm có thể khiến bang này thiệt hại gần 972 triệu USD, ảnh hưởng đến nhiều chương trình y tế quan trọng của bang, trong đó có chương trình tiêm chủng cho 4,5 triệu trẻ em và các chiến dịch phòng chống sởi, cúm. Ông nhấn mạnh quyết định này có thể khiến hàng nghìn chương trình y tế và việc làm bị xóa sổ.
Tương tự, người đứng đầu cơ quan tư pháp bang Colorado Phil Weiser cũng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng đối với bang này. Colorado dự kiến sẽ có nguy cơ thiệt hại hơn 229 triệu USD, khiến nhiều chương trình hỗ trợ sức khỏe hành vi và giám sát bệnh truyền nhiễm phải ngừng hoạt động. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn ngân sách này trong hỗ trợ giảm thiểu ảnh hưởng kéo dài của đại dịch, đặc biệt đối với sức khỏe tâm thần.
Chính quyền của Tổng thống Trump vẫn bảo vệ quyết định trên, lập luận rằng đại dịch COVID-19 đã kết thúc nên khoản ngân sách này không còn cần thiết. Tuy nhiên, các bên nguyên đơn cho rằng khoản ngân sách được phân bổ cho các cải tiến lâu dài trong hệ thống y tế công, thay vì chỉ phục vụ cho các nhu cầu ngắn hạn trong đại dịch. Trong đơn kiện, họ cáo buộc Chính quyền Tổng thống Trump vi phạm luật liên bang do khoản ngân sách trên đã được Quốc hội phê duyệt mà không bị ràng buộc với thời điểm đại dịch COVID-19 kết thúc.
Chỉ trong khoảng 2 tháng cầm quyền, Tổng thống Trump đã đối mặt với hơn 150 vụ kiện về tính hợp pháp trong các hành động của chính quyền do ông đứng đầu, bao gồm các vụ kiện liên quan đến chính sách nhập cư, ngân sách liên bang và sa thải hàng loạt viên chức chính phủ.
Hoàng Châu (TTXVN)