248 'cột mốc mềm' nơi biên cương Tổ quốc

248 'cột mốc mềm' nơi biên cương Tổ quốc
10 giờ trướcBài gốc
Khởi động từ mảnh đất biên viễn phía Tây của Tổ quốc, chương trình xây dựng trường nội trú liên cấp tại các xã biên giới gửi gắm một thông điệp lớn: tri thức là hành trang căn bản để phát triển bền vững vùng biên, là nền tảng để củng cố thế trận lòng dân từ gốc.
Dù đã có nhiều cải thiện nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thực tế học tập ở các xã vùng cao, nhất là vùng biên giới, vẫn còn nhiều gian khó. Trường lớp còn đơn sơ, nhiều nơi vẫn thiếu phòng học, thiếu nhà nội trú, thiếu bữa ăn trưa đủ chất... Trong bối cảnh đó, việc xây dựng hệ thống trường phổ thông nội trú liên cấp, bảo đảm điều kiện học tập, ăn ở, rèn luyện, không chỉ đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn góp phần giữ chân học sinh tới trường, duy trì và nâng cao tỷ lệ chuyên cần. Theo kế hoạch, ngay trong năm nay sẽ có 100 trường được xây mới hoặc cải tạo; từ những hình mẫu này sẽ tiếp tục nhân rộng ra toàn bộ 248 xã biên giới đất liền trong vòng 2 - 3 năm tới.
Việc Bộ Chính trị xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chính sách dân tộc, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh thể hiện tầm nhìn chiến lược nhất quán: muốn biên cương ổn định lâu dài, phải chăm lo cho con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Khi con em đồng bào được học tập đến nơi đến chốn, được tạo điều kiện phát triển toàn diện, chính họ sẽ trở thành nguồn cán bộ kế cận tại chỗ, hiểu dân, hiểu bản, gắn bó và cống hiến lâu dài cho quê hương. Đây cũng là lời giải cho bài toán nhân lực vùng sâu, vùng xa, vốn là điểm nghẽn kéo dài trong chiến lược phát triển toàn diện và bao trùm.
Vượt lên khuôn khổ một chính sách giáo dục, chương trình xây dựng trường học nội trú tại các xã biên giới còn là cam kết mạnh mẽ của Đảng, của Nhà nước về phát triển bền vững, về giữ dân, giữ đất bằng con đường nâng cao dân trí. 248 ngôi trường chính là 248 “cột mốc mềm” góp phần gìn giữ chủ quyền lãnh thổ bằng phương cách sâu xa và lâu dài nhất: gieo tri thức, tạo cơ hội phát triển, nâng cao đời sống người dân ngay từ nơi gian khó nhất.
Đáng chú ý, cùng với việc xây dựng trường học, chính sách hỗ trợ ăn trưa cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại các xã biên giới cũng sẽ được triển khai từ năm học 2025 - 2026, theo Nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín. Sự đồng bộ giữa đầu tư cơ sở vật chất với chính sách nuôi dưỡng thể hiện cách tiếp cận toàn diện, tạo điều kiện học tập công bằng và hiệu quả cho trẻ em vùng khó khăn.
Không có thành lũy nào vững chắc hơn tri thức. Không có thế trận nào bền vững hơn lòng dân. Khi con em đồng bào dân tộc thiểu số được học tập, bồi dưỡng tri thức, kỹ năng và khát vọng phát triển, thì chính họ sẽ trở thành đội ngũ cán bộ, nhân lực chất lượng tại chỗ - chủ thể của quá trình phát triển, lực lượng nòng cốt trong bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Đó là con đường căn cơ, bền vững để phát triển vùng biên giới từ gốc, không chỉ giữ dân mà còn “giữ đất” bằng cách trao quyền chủ động phát triển cho chính người dân nơi đây.
Khởi đầu từ một ngôi trường ở xã Si Pa Phìn, chương trình xây dựng 248 trường nội trú liên cấp không chỉ mở ra cơ hội học tập cho trẻ em vùng cao, mà còn đặt nền móng cho một chiến lược phát triển quốc gia gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh và thực hiện công bằng xã hội. Bằng giáo dục, chúng ta dựng xây tương lai, giữ gìn biên cương, và vun đắp thế trận lòng dân từ gốc - nền tảng sâu xa và vững chắc nhất để bảo vệ Tổ quốc trong mọi hoàn cảnh.
Hà Lan
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/248-cot-moc-mem-noi-bien-cuong-to-quoc-10381260.html