Loạt bài này nhằm nhìn lại vai trò và ảnh hưởng của ngoại binh trong lịch sử V.League, nơi bóng đá không chỉ là sân cỏ, mà còn là không gian hội nhập của văn hóa, con người và khát vọng vươn lên.
Qua từng bài viết, không chỉ điểm lại những thống kê nổi bật, tên tuổi tiêu biểu hay những “góc tối” còn tồn tại, mà còn khắc họa một cách gần gũi đời sống của các cầu thủ ngoại trên đất Việt.
Hoàng Vũ Samson, một trong những ngoại binh ghi dấu ấn đậm nét nhất trong lịch sử V.League
25 năm qua ngoại binh đã, đang và sẽ là một phần không thể tách rời của lịch sử V.League, với đầy đủ gam màu rực rỡ lẫn mảng tối trầm lắng.
Từ buổi bình minh chuyên nghiệp
Từ khi giải vô địch quốc gia Việt Nam chuyển sang chuyên nghiệp, các ngoại binh đã trở thành một phần không thể thiếu. Tiên phong là HAGL và Gạch Đồng Tâm Long An. Ngay từ 2003, đội bóng phố núi đã gây tiếng vang khi chiêu mộ loạt ngôi sao Thái Lan như Kiatisuk, Tawan Sripan, Nirut, Dusit, Sakda…
Cùng thời điểm đó, Gạch Đồng Tâm Long An dưới thời HLV Henrique Calisto đưa về các hảo thủ Brazil như thủ môn Fabio Santos, tiền đạo Carlos Rodrigues, Antonio Carlos… và nhanh chóng thu về thành quả ấn tượng. Trong giai đoạn 2003-2006, “gỗ” (2003, 2004) và “gạch” (2005, 2006) thay nhau thống trị V.League.
Bên cạnh những đội bóng hưởng trái ngọt, không ít CLB lao đao vì ngoại binh kém chất lượng. Nhiều cầu thủ ngoại dạng thử việc hoặc trình độ thấp, thường được gọi là “Tây ba lô”, đổ về Việt Nam tìm cơ hội, khiến các đội vừa mất tiền vừa tốn thời gian sàng lọc.
Sông Lam Nghệ An sau vài mùa đầu có ngoại binh tốt như Enock Kyembe, Lulenti đã liên tục vấp phải những “Tây ba lô” gây thất vọng, ảnh hưởng thành tích. Thậm chí Đồng Tháp và Khánh Hòa còn dính bê bối, kiện cáo liên quan đến ngoại binh, và rốt cuộc cả hai đội sau đó đều rớt hạng - một bài học nhớ đời về tuyển chọn cầu thủ nước ngoài.
Nhìn lại chặng đường 25 năm, V.League đã chứng kiến sự góp mặt của khoảng 1.000 lượt cầu thủ ngoại đến từ hàng chục quốc gia trên khắp thế giới. Từ những năm đầu chỉ lác đác vài ba ngoại binh, đến nay mỗi CLB có thể đăng ký 3-4 cầu thủ nước ngoài trong đội hình mỗi mùa.
Đáng chú ý, có những trường hợp ngoại binh đã nhập quốc tịch Việt Nam, cách mà một số đội sử dụng để “lách luật” tăng cường thêm suất cầu thủ ngoài quota. Suốt chiều dài đó, chính sách sử dụng ngoại binh cũng nhiều lần thay đổi.
Nhưng dẫu biến động như thế nào, ngoại binh đã trở thành một phần không thể thiếu của V.League, góp phần nâng tầm giải đấu nhưng cũng đặt ra không ít vấn đề đáng cân nhắc.
Sức mạnh ngoại binh - không thể thiếu trên sân cỏ V.League
Không quá lời khi nói rằng thành bại tại V.League gắn chặt phong độ ngoại binh. Hầu hết nhà vô địch V.League đều sở hữu dàn “lính lê dương” chất lượng cao.
Sau HAGL và Gạch Đồng Tâm Long An, Bình Dương đăng quang năm 2007 và 2008 nhờ sự bùng nổ của Kesley Alves. Đà Nẵng vô địch năm 2009 và 2012 với chân sút Gaston Merlo người Argentina.
Hà Nội FC vô địch nhiều lần từ 2010 đến nay với cặp tiền đạo Hoàng Vũ Samson - Gonzalo (Nigeria và Argentina). Mới nhất, ĐKVĐ Nam Định đăng quang mùa 2023/24 nhờ công lớn của “song sát” người Brazil là Rafaelson Fernandes (đã nhập tịch thành Nguyễn Xuân Son) và Hendrio Araujo.
Tiền đạo Xuân Son thậm chí lập kỷ lục ghi 31 bàn trong một mùa. Những ngoại binh ấy không chỉ trực tiếp đem về bàn thắng, danh hiệu cho CLB mà còn tạo ra “giá trị gia tăng” khi truyền cảm hứng luyện tập, tính chuyên nghiệp cho đồng đội nội, giúp cầu thủ Việt Nam học hỏi nhiều về chuyên môn.
Sự hiện diện của họ cũng là thước đo hữu ích để giới chuyên môn trong nước nhận ra khoảng cách trình độ giữa bóng đá Việt Nam với thế giới.
Thống kê suốt chiều dài V.League cho thấy, danh hiệu Vua phá lưới hầu như thuộc về các chân sút ngoại, trong đó có thể thấy sự áp đảo của các ngoại binh đến từ ba cường quốc bóng đá “xuất khẩu cầu thủ” là Brazil, Nigeria và Argentina.
Bóng đá Nigeria sản sinh ra những chân sút lợi hại như Hoàng Vũ Samson, Achilefu, Ejike Amaobi hay Ganiyu Oseni - tất cả đều từng đoạt ngôi Vua phá lưới V.League. Argentina có Gonzalo và Gaston Merlo, bộ đôi này cộng lại đã 5 lần giành danh hiệu vua phá lưới các mùa giải (riêng Merlo 4 lần). Còn các chân sút Brazil thậm chí thống trị khi đã “xé lưới” V.League ở 9 mùa giải.
Về quốc tịch, nếu như giai đoạn 2005-2015, cầu thủ châu Phi “phủ sóng” V.League với rất nhiều gương mặt đến từ Nigeria, Cameroon, Senegal, Uganda… thì khoảng 5-7 năm trở lại đây, làn sóng Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil lại trỗi dậy mạnh mẽ.
Mùa giải 2023/24 chứng kiến xu hướng “Brazil hóa” khi 31/48 ngoại binh toàn giải mang quốc tịch Brazil. Sang đến mùa 2024-2025, tỷ lệ này tiếp tục duy trì. Rõ ràng, các cầu thủ từ “xứ sở Samba” với nền tảng kỹ thuật tốt đang tràn ngập sân cỏ Việt, thay cho hình bóng các “ông Tây” châu Phi trước kia.
Bên cạnh con số còn là câu chuyện. CĐV Hải Phòng mãi nhớ về một Leandro tài hoa và cá tính. Hình ảnh Kiatisuk gảy đàn và hát trên phố Núi đầy sương mới thật thi vị. Ngoài ra, nhiều ngoại binh còn chọn gắn bó lâu dài với mảnh đất hình chữ S, xem Việt Nam như quê hương thứ hai.
Có khoảng 30 ngoại binh nhập quốc tịch Việt Nam suốt 25 năm qua. Nhiều người trong số họ tiếp tục thi đấu tại V.League với tư cách cầu thủ nội, thậm chí được cân nhắc khoác áo đội tuyển quốc gia.
Năm 2008-2009, HLV Calisto từng triệu tập một số cầu thủ nhập tịch lên đội tuyển (Phan Văn Santos, Huỳnh Kesley, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max) nhưng không ai trụ lại lâu.
Phải đến AFF Cup 2024, bóng đá Việt Nam mới lần đầu chứng kiến một ngoại binh nhập tịch ra sân và ghi bàn cho đội tuyển. Đó chính là Xuân Son. Điều này cho thấy nỗ lực hòa nhập và đóng góp của các ngoại binh xuất sắc cuối cùng cũng được ghi nhận ở cấp độ cao nhất.
Mặt trái - những “ván bài hớ” và bê bối đáng quên
Bên cạnh thành công, V.League cũng chứng kiến không ít trường hợp ngoại binh gây thất vọng, thậm chí tai tiếng. Trong môi trường bóng đá còn đang phát triển, việc tuyển chọn ngoại binh của các CLB Việt Nam đôi khi giống “canh bạc” và đã có nhiều ván bài bị hớ.
“Cú lừa thế kỷ” Denilson năm 2009 là ví dụ kinh điển. Xi măng Hải Phòng gây sốc khi chiêu mộ nhà vô địch World Cup 2002 Denílson de Oliveira với bản hợp đồng tiền tỉ.
Ngày ra mắt, Denilson ghi một bàn từ cú sút phạt tuyệt đẹp, nhưng rồi chấn thương và rời V.League chỉ sau 1 trận đấu duy nhất. Thương vụ đình đám kết thúc chóng vánh, để lại cho Hải Phòng bài học đắt giá rằng ngôi sao tiếng tăm chưa chắc phù hợp môi trường V.League.
Trong những năm gần đây, dù công tác tuyển chọn đã chuyên nghiệp hơn, nhiều ngoại binh vẫn gây thất vọng tràn trề về chuyên môn lẫn thái độ. Mùa giải 2023- 2024, Hà Nội FC ký hợp đồng với trung vệ người Hà Lan Keziah Veendorp (cựu đội trưởng U17 Hà Lan), nhưng cầu thủ này trình diễn như một “thảm họa”.
Veendorp ra sân với thể trạng thừa cân, chậm chạp, chỉ đá vỏn vẹn 18 phút đã để lộ rõ sự đuối sức và vô kỷ luật chiến thuật, khiến đội bóng Thủ đô lập tức thanh lý hợp đồng sớm. Cũng ở mùa này, hàng loạt đội V.League phải “chạy đua” thay ngoại binh giữa mùa vì hiệu suất kém: Nam Định chia tay tiền đạo người Nigeria Moses Odo sau nửa mùa tịt ngòi; Bình Dương sa thải tiền đạo triệu đô Cheick Timité chỉ sau vài vòng.
Việc thanh lý ngoại binh giữa chừng gần như đã trở thành “điều bình thường mới” ở V.League - mỗi mùa giải có hàng chục ngoại binh bị thay thế trước hạn hợp đồng vì không đáp ứng chuyên môn.
Chuyện ngoại binh vô kỷ luật hay gây rắc rối hậu trường cũng từng xảy ra, tuy không nhiều. Năm 2017, tiền đạo nhập tịch Hoàng Vũ Samson bị chỉ trích nặng nề khi có pha vào bóng thô bạo với thủ môn đối phương ở AFC Cup, khiến hình ảnh giải đấu bị ảnh hưởng xấu.
Một số ngoại binh khác thì vướng mâu thuẫn hợp đồng, kiện cáo CLB đòi lương thưởng. Điển hình, năm 2014 tiền đạo Stevens (Jamaica) từng hai lần gửi đơn lên FIFA tố Hải Phòng vi phạm thỏa thuận lương, gây xôn xao dư luận.
Rải rác đó đây, có những trường hợp cầu thủ ngoại đến rồi biến mất không kèn không trống, hoặc dính chấn thương dài hạn khiến đội bóng thiệt hại nặng về tài chính.
Bài toán ngoại binh vì thế luôn có hai mặt sáng - tối. V.League rõ ràng cần những “ngôi sao ngoại” để nâng cao chất lượng chuyên môn và tính giải trí, thu hút khán giả.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá mức có thể làm chậm bước tiến của cầu thủ nội và tiềm ẩn rủi ro khi ngoại binh sa sút. Thực tế, nhiều đội bóng vẫn đang chi hàng chục tỉ đồng mỗi mùa để săn ngoại binh giỏi, nhưng không phải lúc nào “tiền tấn” cũng đổi được “hàng chất lượng”.
Do đó, việc lựa chọn ngoại binh đòi hỏi tầm nhìn và sự chuyên nghiệp từ khâu tuyển trạch, kiểm tra sức khỏe đến quản lý cầu thủ.
(Còn tiếp)
NGỌC TRUNG