Mong sớm làm được sổ đỏ để yên tâm canh tác
Theo chủ trương phủ xanh đất trống, đồi trọc, từ năm 1999, người dân xã Hải Chánh đã lên vùng đồi núi khai hoang, cải tạo đất đai để trồng sắn và cây lâm nghiệp. Từ đó đến nay, người dân canh tác ổn định trên đất mình khai hoang nhưng lại không làm được sổ đỏ do sau khi phân định ranh giới thì diện tích này xâm canh trên đất xã Phong Mỹ, thị xã Phong Điền (trước đây là huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), TP. Huế.
250 ha đất rừng của các hộ dân xã Hải Chánh chủ yếu trồng tràm, hiện chưa làm được sổ đỏ do xâm canh đất của xã Phong Mỹ, thị xã Phong Điền, TP. Huế - Ảnh: Q.H
Ông Nguyễn Tuấn Dũng ở thôn Nam Chánh, xã Hải Chánh có 27 ha đất rừng đang trồng tràm chưa làm được sổ đỏ do toàn bộ diện tích xâm canh trên đất xã Phong Mỹ. Do đang sử dụng ổn định, không tranh chấp nên ông Dũng luôn mong mỏi sớm làm được sổ đỏ cho diện tích đất này.
“Theo chủ trương phủ xanh đất trống, đồi trọc của Nhà nước, từ năm 1999 đến 2002, người dân xã Hải Chánh đã khai hoang khoảng 250 ha để trồng sắn, sau đó một số hộ đã chuyển sang trồng cây lâm nghiệp. Trước đây, cán bộ địa chính tác nghiệp thực địa bằng mắt thường nhưng sau này đo đạc bằng máy móc thì nhìn thấy rõ ràng phần lớn diện tích đất này xâm canh qua đất xã Phong Mỹ và một phần rất nhỏ xâm canh xã Phong Thu (nay là phường Phong Thu, thị xã Phong Điền).
Từ đó đến nay, chúng tôi sử dụng ổn định, không có tranh chấp. Mong muốn của bà con là đất được quy chủ. Mong các cơ quan, các cấp chính quyền tạo mọi điều kiện cho người dân làm được sổ đỏ để yên tâm canh tác”, ông Dũng chia sẻ.
Cũng theo ông Dũng, có khoảng 45 hộ dân xã Hải Chánh đang canh tác trên diện tích 250 ha đất rừng này. Một số hộ đã nộp đơn lên xã Phong Mỹ kiến nghị tạo điều kiện làm sổ đỏ nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. “Không có sổ đỏ về pháp lý là Nhà nước chưa công nhận quyền sử dụng đất. Vì thế, chúng tôi rất mong sớm được làm sổ, mọi chi phí đo đạc bà con đều chấp hành nộp hết”, ông Dũng nói.
Tương tự, ông Phạm Như Nê ở thôn Nam Chánh, xã Hải Chánh có 5 ha đất rừng đang trồng tràm chưa làm được sổ đỏ, cũng do xâm canh đất của xã Phong Mỹ. “Bây giờ muốn làm sổ đỏ, chúng tôi phải qua xã Phong Mỹ vì đất thuộc địa phương này quản lý, sẽ rất khó khăn. Phải có sổ đỏ mới yên tâm được. Hơn nữa, có sổ đỏ thì việc chuyển nhượng đất mới thuận lợi và có giá trị”, ông Nê cho hay.
Đang rà soát, xác định lại hồ sơ
Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Bùi Văn Sinh thông tin thêm, trước đây khi khai hoang thì người dân địa phương không hề biết đất xâm canh xã Phong Mỹ. Sau khi có Nghị quyết số 31 năm 2019 (việc xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị tại hai khu vực do lịch sử để lại - PV), đường ranh giới phân chia hành chính giữa hai địa phương đã được phân định rõ thì mới xác định 250 ha đất rừng của người dân xã Hải Chánh xâm canh trên đất xã Phong Mỹ.
Về việc cấp sổ cho 250 ha đất rừng đang xâm canh xã bạn, ông Sinh cho hay, UBND xã Hải Chánh đã gửi văn bản cho xã Phong Mỹ đề nghị phối hợp đo vẽ, hoàn thiện thủ tục. Sau đó, xã Phong Mỹ đã gửi văn bản cho UBND huyện Phong Điền (nay là thị xã) báo cáo xin ý kiến giải quyết xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân xã Hải Chánh. Ngày 12/7/2024, UBND huyện Phong Điền đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND huyện theo quy định.
“Những hộ dân đang có đất rừng xâm canh chưa làm được sổ đỏ thuộc các thôn Nam Chánh, Tân Phong, Tây Chánh và Xuân Lộc. Theo chỉ đạo của UBND huyện Hải Lăng, hiện nay xã Hải Chánh đang rà soát toàn bộ hộ dân, diện tích đất đăng ký để có báo cáo kiến nghị cụ thể. Chúng tôi đã phát phiếu thống kê cho bà con để xác định lại số hồ sơ. Hiện trên diện tích đất 250 ha này người dân chủ yếu trồng cây lâm nghiệp, có số ít trồng cao su. Trước đây, người dân chủ yếu trồng sắn”, ông Bùi Văn Sinh thông tin thêm.
Về công tác phối hợp, ông Sinh nói phía xã bạn Phong Mỹ rất nhiệt tình và trách nhiệm. UBND xã Phong Mỹ và Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Phong Điền đều mong muốn sớm có chủ trương để đo vẽ, cấp sổ đỏ cho người dân.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ Nguyễn Hữu Chung cho hay: “Theo ranh giới, diện tích 250 ha đất này do xã Phong Mỹ quản lý. Trước đây người dân xã Hải Chánh khai hoang và hiện nay sản xuất ổn định rồi nên chỉ căn cứ theo Luật Đất đai để cấp sổ đỏ cho người dân. Theo luật mới, đất đã sản xuất ổn định thì thị xã Phong Điền sẽ cấp sổ”.
Ông Chung cũng cho biết, UBND xã Hải Chánh đã có tờ trình đề nghị xã Phong Mỹ và thị xã Phong Điền giải quyết cấp sổ đỏ cho người dân. “Theo quy định, sau khi có tờ trình thì thị xã Phong Điền sẽ giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp để cùng xã Phong Mỹ hướng dẫn người dân xã Hải Chánh làm hồ sơ, cũng giống như giao đất rừng sản xuất. Quan trọng là chủ trương của thị xã”, ông Chung nói.
Để thuận lợi và sớm cấp sổ đỏ cho các hộ dân đang sử dụng 250 ha đất rừng xâm canh, theo Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ Nguyễn Hữu Chung, xã Hải Chánh cần sớm hoàn thiện tờ trình gửi UBND huyện Hải Lăng; tiếp đó huyện Hải Lăng có tờ trình gửi UBND thị xã Phong Điền để căn cứ ra chủ trương.
Quang Hải